Năm 2023, Nhựa Tiền Phong trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25%, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Năm 2024 dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức cao ở mức 20%.
Sáng ngày 27/4, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP ) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024, thông qua các tờ trình của HĐQT.
TRẢ CỔ TỨC NĂM 2023 BẰNG TIỀN VỚI TỶ LỆ 25%, DỰ KIẾN TỶ LỆ 20% CHO NĂM 2024
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đánh giá, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ngoài yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, còn do những bất ổn trong nội tại nền kinh tế trong nước. Thị trường bất động sản gặp khó khăn từ giữa năm 2022 và kéo dài đến hết năm 2023, tín dụng cho ngành BĐS vẫn bị siết chặt. Mặc dù lãi suất Ngân hàng giảm nhưng các DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay, nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc và Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cắt điện luân phiên. Nhiều ngành nghề ít công ăn việc làm đặc biệt là các ngành liên quan đến gia công hàng xuất khẩu.
Với Nhựa Tiền Phong, do bị ảnh hưởng của thị trường BĐS, bị ảnh hưởng của nhu cầu tiêu dùng giảm nên Tổng doanh thu năm 2023 đạt 5.084 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương giảm 531 tỷ), hoàn thành 87% KH 2023 đề ra. Sản lượng bán hàng năm 2023 đạt 98.582 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương giảm 2.476 tấn), hoàn thành 93% KH 2023 đề ra.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 641 tỷ, tăng 20% so với năm 2022 (tương đương tăng 109 tỷ). Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử của công ty.
Giải thích về nguyên nhân giảm doanh thu, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong cho hay, trước hết là do giá nguyên liệu chính (hạt nhựa) giảm, công ty đã giảm giá bán các sản phẩm cho phù hợp với tình hình cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, Nhựa Tiền phong đã giảm giá bán 2 lần vào ngày 1/8/2023 và ngày 21/9/2023, mỗi lần giảm 5% với các dòng SP UPVC, việc này làm doanh thu năm 2023 giảm 413 tỷ, tương đương giảm hơn 7%.
Nguyên nhân thứ 2, thị trường BĐS chững lại nên nhu cầu sử dụng VLXD (sắt, thép, xi măng, gạch, đá ...) nói chung và ngành ống nhựa cho ngành xây dựng nói riêng đều giảm, tạo ra mức giảm doanh thu là 118 tỷ, tương đương giảm 2%.
Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong đánh giá tình hình lạm phát vẫn cao, nhiều ngành ít công ăn việc làm nên người dân hạn chế tiêu dùng, hạn chế xây mới, sửa chữa nhà nên nhu cầu sử dụng các loại ống nhựa cũng giảm.
Về con số lợi nhuận cao nhát từ trước tới nay của Nhựa Tiền Phong, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc giá nguyên liệu vật liệu chính giảm so với cùng kỳ. Khi dự đoán thời điểm giá nguyên liệu thấp, công ty tiến hành mua nhiều, khi giá nguyên liệu cao thì mua ít hoặc không mua.
Một số lý do khác như lãi suất ngân hàng giảm so với cùng kỳ; công ty tiết giảm được một số chi phí trong SXKD (Sử dụng nguyên liệu thay thế giá rẻ, tiết kiệm chi phí thuê kho bên ngoài, sắp xếp lại mặt bằng giao hàng thuận tiện nên giảm chi phí bốc xếp hàng hóa ...).
Kế hoạch năm 2024 đặt ra với doanh thu 5.400 tỷ đồng - tăng 6% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế là 555 tỷ đồng – giảm 13%.
ĐHCĐ thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ chi trả là 25% vốn điều lệ với tổng kinh phí xấp xỉ 324 tỷ đồng, trong đó đã trả cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% vào tháng 12/2023 và sẽ tiếp tục chi trả đợt 2 tương đương 129,5 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2023 là 10%.
Dự kiến mức cổ tức bằng tiền năm 2024 được duy trì ở mức cao là 20% vốn điều lệ.
Với kết quả nói trên, ĐHCĐ đã thông qua tờ trình thưởng cho HĐQT 1 tỷ đồng do lợi nhuận thực hiện năm 2023 vượt 20% kế hoạch.
CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ TỔ HỢP GIÁO DỤC
Một kế hoạch đáng chú ý được thông qua tại đại hội là bổ sung ngành nghề kinh doanh giáo dục đào tạo. Nhựa Tiền Phong chủ trương đầu tư một tổ hợp giáo dục mang tên "Trường phổ thông có nhiều cấp học Tiền phong" tại địa chỉ số 2 An Đà – trụ sở chính của công ty.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do đầu tư, ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT cho biết, đây vốn là mảnh đất 64 năm lịch sử gắn với Nhựa Tiền Phong từ ngày thành lập. Trước đó, công ty đã có quy hoạch 1/500 xây dựng tổ hợp thương mại nhưng gặp nhiều vướng mắc và quyết định dừng lại. Nếu không có kế hoạch sử dụng, chính quyền thành phố sẽ thu hồi mảnh đất này để xây dựng khu gửi xe cao tầng. Chính vì vậy, Nhựa Tiền Phong đề xuất kế hoạch xây tổ hợp giáo dục.
Ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ: "Nhiều người băn khoăn về việc Nhựa Tiền Phong không có kinh nghiệm làm giáo dục, tuy nhiên làm được hay không đều là do con người, có ai tự nhiên làm được cái gì, đều phải đi học hỏi".
Chủ tịch Nhựa Tiền Phong cũng quan điểm rằng, việc gọi tổ hợp này là đầu tư ngoài ngành chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
"Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp quốc dân được sinh ra từ nhân dân và một phần cơ ngơi được dựng nên từ công sức của các cháu thiếu niên nhi đồng. Chúng tôi xây trường học là vì nghĩ đến trách nhiệm xã hội, đầu tư cho giáo dục cũng là đầu tư cho tương lai" – Ông Dũng nói.
Theo chia sẻ của Giám đốc tài chính, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua chủ trương, công ty sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo với chính quyền thành phố về dự án. Sơ bộ vốn đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng với 50% được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, doanh thu dự kiến 180-200 tỷ đồng/năm và thu hồi vốn trong khoảng thời gian 8-10 năm.
"GIÁ BÁN THẤP HƠN ĐỐI THỦ 15-20%"
Một cổ đông lâu năm của Nhựa Tiền Phong bày tỏ băn khoăn về lợi nhuận của doanh nghiệp: Năm 2023 đạt mức cao nhất lịch sử với 641 tỷ đồng, nhưng vẫn kém xa "người em" cùng ngành. Dù không nói tên, nhưng có thể hiểu rằng cổ đông đang nhắc đến CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) với LNTT hơn 1.300 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Quốc Dũng, lý do khiến cho doanh thu của công ty thấp hơn "người em" dù doanh số bán hàng cao hơn là vì giá bán của Nhựa Tiền Phong luôn thấp hơn 15-17% so với đối thủ. Nhựa Tiền Phong giữ mức giá thấp nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp có vốn cổ phần của nhà nước, chia sẻ khó khăn với đối tác, với các đại lý phân phối, với người tiêu dùng... khi nền kinh tế còn nhiều áp lực.
Ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong
Ông Dũng dẫn chứng, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, Nhựa Tiền Phong sẽ tăng giá bán sản phẩm trễ hơn, nhưng khi giá nguyên vật liệu giảm, công ty sẽ giảm giá rất nhanh. Riêng trong năm 2023, công ty đã giảm giá bán 2 lần.
"Nếu nhân thêm 15-17% vào doanh số thì đó chính là lợi nhuận mà Nhựa Tiền Phong có thể lấy thêm nếu không để mức giá bán thấp như vậy, vì định phí đã được đưa hết vào chi phí. Tức là lợi nhuận của chúng tôi năm 2023 có thể vượt 1.000 tỷ, nhưng chúng tôi muốn đồng hành, chia sẻ với các DN bất động sản, xây dựng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm qua" – Ông Dũng nói.
Vị Chủ tịch HĐQT cũng nhấn mạnh: "Chiến lược của mỗi DN là khác nhau. Nhưng quan điểm của Nhựa Tiền Phong là muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Đó cũng là con đường phát triển bền vững của Nhựa Tiền Phong".
Thế khó của doanh nghiệp: Khách hàng yêu cầu sản xuất "xanh" hơn, nhưng không muốn sản phẩm tăng giá
Theo Lan Hạ