Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 20—22/5

Các thị trường đang hy vọng có thêm bằng chứng cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng lên, mực dù căng thẳng thương mại đang gia tăng.

Tuần tới, các Nvidia sẽ báo cáo kế quả kinh doanh, thị trường Mỹ có thể tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán London kỳ vọng hoạt động niêm yết sẽ tăng trở lại, ngân hàng trung ương New Zealand đang mắc kẹt giữa tăng trưởng kinh tế mờ nhạt và lạm phát dai dẳng, Bộ trưởng tài chính nhóm G7 sẽ nhóm họp tại Italy bàn về việc xử lý số tài sản phong tỏa của Nga…

Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trên thế giới trong tuần 20-24/5/2024.

1/ ‘BỨC TRANH’ TRIỂN VỌNG KINH TẾ THẾ GIỚI CÓ NHIỀU KHOẢNG TỐI

Số liệu hoạt động kinh doanh tháng 5 của các nền kinh tế lớn sắp công bố được kỳ vọng sẽ củng cố triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn.

Khu vực đồng euro có dấu hiệu hồi phục chậm chạp sau 6 quý liên tiếp tăng trưởng trì trệ hoặc âm; lạm phát ở Mỹ trở lại xu hướng giảm và kinh tế Trung Quốc quý I/2024 tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy chỉ số PMI toàn cầu sắp công bố sẽ nằm trên ngưỡng 50 điểm (cho thấy sự tăng trưởng).

Tuy nhiên, việc Mỹ tăng thuế mạnh đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, từ pin xe điện đến chip máy tính, và việc Trung Quốc có thể trả đũa động thái của Mỹ cho thấy triển vọng thương mại và tăng trưởng toàn cầu vẫn trong trạng thái mong manh.

Các nhà sản xuất ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang chịu tác động bởi những diễn biến thương mại và địa chính trị thế giới. Căng thẳng thương mại gia tăng – cùng với việc sắp diễn ra cuộc bầu cử ở Mỹ - có thể làm gia tăng tác động đến ngành sản xuất của cả hai nền kinh tế, cản trở sự phục hồi của Trung Quốc và gây ra lạm phát ở Mỹ.

Nhìn chung, PMI toàn cầu hiện đang tăng lên. Nhưng điều đó có thể dễ dàng thay đổi.

Hoạt động kinh doanh trên toàn cầu đang dần được cải thiện.

2/ THỜI CỦA CHIP

Kết quả kinh doanh hàng quý của Nvidia công bố vào thứ Tư (22/5) có thể tạo ra tiếng vang cho thị trường chứng khoán Mỹ cũng như cho các công ty tiếp xúc với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – hiện đang rất phát triển.

Đang là tâm điểm nổi bật về tiềm năng kinh doanh AI, báo cáo của Tập đoàn bán dẫn Nvidia dự kiến sẽ cho thấy doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong quý đầu tiên tài chính hiện tại.

Theo dữ liệu của LSEG, doanh thu dự kiến ​​sẽ tăng lên 24,8 tỷ USD, từ mức 7,2 tỷ USD một năm trước đó, với thu nhập trên mỗi cổ phiếu tăng vọt lên 5,57 USD từ 1,09 USD.

Nvidia có thể cần phải đáp ứng những kỳ vọng cao cả đó và tiếp đến là giữ cho giá cổ phiếu tiếp tục xu hướng tăng. Cổ phiếu của Tập đoàn đã tăng hơn 90% trong năm nay sau khi tăng gấp ba lần vào năm 2023, đưa họ trở thành công ty lớn thứ ba của Mỹ tính theo giá trị thị trường.

Kết quả thu nhập hàng quý của Nvidia.

3/ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LONDON HẤP DẪN IPO TRỞ LẠI

Có rất nhiều báo cáo về tình trạng suy giảm của thị trường chứng khoán London. Là địa điểm niêm yết phổ biến nhất tại châu Âu trong thời kỳ bùng nổ năm 2021 nhưng thị trường chứng khoán London chỉ thu hút được 1% tổng tổng số lượng IPO ở châu Âu tính đến thời điểm hiện tại, theo dữ liệu của nền tảng tài chính Dealogic.

Điều này liệu có thể sắp thay đổi? Một loạt những cái tên quen thuộc đã nổi lên như những ứng cử viên tiềm năng cho việc niêm yết ở London.

Thương hiệu thời trang nhanh Trung Quốc Shein đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho màn ra mắt ở London, có thể là lớn nhất từ trước đến nay nếu được định giá 66 tỷ USD. Công ty kim cương De Beers là một công ty khác cũng có thể mang lại sự nhộn nhịp cho thị trường London.

Động lực tích cực là dòng vốn trên toàn cầu đang được cải thiện.

Thị trường chứng khoán London đã mất sức hấp dẫn.

4/ NEW ZEALAND Ở CHẾ ĐỘ QUAN SÁT, LO LẮNG VÀ CHỜ ĐỢI

Ngân hàng trung ương đi đầu trong việc thay đổi chính sách tiền tệ trên toàn cầu đã buộc phải lùi kế hoạch hạ lãi suất từ mức cao kỷ lục chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) , dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Tư (22/5), là lần thứ 7 liên tiếp giữ nguyên lãi suất.

Đáng chú ý là (RBNZ) là cơ quan quản lý tiền tệ lớn đầu tiên nới lỏng tiền tệ khi bắt đầu đại dịch và là cơ quan đầu tiên tăng lãi suất sau đó.

Nhưng lạm phát dai dẳng và nền kinh tế đi ngang khiến RBNZ buộc phải giữ lập trường “theo dõi, lo lắng và chờ đợi” mà cơ quan này đã áp dụng từ cách đây một năm.

Thị trường đặt cược rằng RBNZ sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 10 tới, sau khi ECB có hành động tương tự vào tháng 6 tới. Sau ECB sẽ là Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào tháng 8 và Fed của Mỹ vào tháng 9. Thụy Sĩ và Thụy Điển đã bắt đầu nới lỏng.

Bản thân RBNZ thậm chí còn kém lạc quan hơn khi dự kiến sẽ không hạ lãi suất cho đến năm sau.

New Zealand dự kiến giữ lãi suất không thay đổi.

5/ CHỨNG KHOÁN THĂNG HOA

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua đã đạt mức cao kỷ lục và điều này có thể còn tiếp tục kéo dài, nếu như lịch sử lặp lại.

Những dấu hiệu mới về nền kinh tế đang hạ nhiệt đã xoa dịu nỗi lo lạm phát trong tháng 5, giúp cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng lên mức kỷ lục trong tuần qua. Chỉ số S&P 500, vốn đã giảm hơn 4% trong tháng 4, hiện tăng 11% tính đến thời điểm hiện tại.

Các chiến lược gia thị trường theo dõi xu hướng diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ trong lịch sử cho biết cổ phiếu có xu hướng tạo đà khi phục hồi sau những đợt thoái lui có quy mô tương tự, thường tiếp tục tăng ngay cả sau khi bù đắp lại vị thế đã mất.

Các nhà đầu tư đã chỉ ra sự lạc quan mới đây rằng nền kinh tế đang hướng tới cái gọi là hạ cánh mềm và những dự báo về thu nhập của các doanh nghiệp cao là những yếu tố có thể thúc đẩy cổ phiếu tăng thêm nữa.

Diễn biến chỉ số S&P 500.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống thị trường

https://cafef.vn/nhung-su-kien-tai-chinh-the-gioi-dang-chu-y-trong-tuan-2022-5-188240519113848899.chn