Các ngân hàng trung ương ở Úc, Anh và Thụy Điển sẽ họp vào tuần tới trong bối cảnh các thị trường đang cố gắng đánh giá xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất như thế nào.
Các nhà giao dịch đang theo sát tình hình can thiệp tiền tệ ở Nhật Bản, đồng thời cân nhắc tác động từ những xáo trộn trên thị trường tài chính Mỹ…
Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý trên thị trường thế giới trong tuần 6-10/5/2024:
1/ Tình hình lạm phát Mỹ
Người tiêu dùng Mỹ đang là tâm điểm chú ý và báo cáo sơ bộ của Đại học Michigan về tâm lý người tiêu dùng trong tháng 5 sẽ cho thấy một cái nhìn tổng quan về bức tranh lạm phát và triển vọng kinh tế của Mỹ.
Lạm phát ở Mỹ đã dai dẳng trong nhiều tháng cho thấy sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Mỹ. Việc giá tiêu dùng cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt đã đẩy giá cổ phiếu tăng lên. Và trong báo cáo công bố ngày 10/5 của Đại học Michigan, nếu có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy giá cả tiếp tục tăng cao sẽ đều gây áp lực lên tâm lý thị trường, đồng thời có thể buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến – điều sẽ làm gia tăng áp lực lên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, khi mà những thị trường này gần đây đã giảm giá.
Fed hôm thứ Tư vừa qua (1/5) đã thừa nhận rằng tình hình lạm phát gần đây không có tiến triển nào, mặc dù Chủ tịch Jerome Powell nhắc lại rằng lãi suất có thể sẽ giảm vào năm 2024. Các nhà kinh tế được Reuters phỏng vấn đều dự kiến chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng 5 sẽ tăng lên 77,9, so với 77,2 của tháng Tư.
Chỉ số xu hướng tiêu dùng Mỹ.
2/ Nên đầu tư vào đâu lúc này?
Các nhà đầu tư đang lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, tránh khỏi sự hỗn loạn ở thị trường Mỹ khi chỉ số S&P 500 – chỉ số chứng khoán được dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ, trong đó có nhiều công ty thuộc các lĩnh vực quan trọng là dầu mỏ và khai thác mỏ - giảm hơn 4% trong tháng 4 và trái phiếu Kho bạc vừa có tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2023 do Fed lưỡng lự chưa muốn sớm cắt giảm lãi suất.
Các nhà đầu tư đang cố gắng đa dạng hóa tài sản đầu tư của mình.
FTSE 100 của London, được coi là hàng rào chống lại sự yếu kém của S&P, gần đạt mức cao kỷ lục. Chứng khoán ở các nước có tốc độ tăng trưởng cao như Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trong ba tháng liên tiếp.
Nhưng việc cách ly danh mục đầu tư khỏi những biến động của Phố Wall là một điều khó khăn. Ngân hàng đầu tư Baird ước tính tỷ lệ tương quan dài hạn giữa Stoxx 600 của Châu Âu và S&P là gần 90%. Barclays tính toán rằng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng 1 điểm phần trăm thường kéo lãi suất toàn cầu tăng 56 điểm cơ bản.
Những sản phẩm đầu tư biến động mạnh nhất (Màu đỏ là biến động từ đầu năm đến nay, màu xanh là biến động trong 6 tháng qua).
3/ Ngân hàng Anh và Thụy Điển quyết định lãi suất
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể sẽ công bố những tin vui vào thứ Năm (9/5), khi công bố quyết định lãi suất tháng 5 và những dự báo hàng quý mới nhất.
Trong khi đầu năm nay, cơ quan quyết định lãi suất của Anh đã thông tin cởi mở về khả năng cắt giảm lãi suất, các dữ liệu và các cuộc khảo sát kinh doanh đã vẽ ra một bức tranh khá hỗn tạp về áp lực giá cả ở nền kinh tế Anh, giống như ở Mỹ.
Với việc từ nay đến thứ Năm có rất ít dữ liệu mới, các nhà đầu tư lúc này đã gần như chắc chắn rằng BoE thậm chí có thể đợi đến tháng 9 trước khi cắt giảm lãi suất.
Kết quả của các cuộc bầu cử địa phương - có vẻ sẽ gây thêm áp lực lên Thủ tướng Rishi Sunak - sẽ có vào thứ Sáu (10/5), và dữ liệu tăng trưởng kinh tế hàng tháng cũng sẽ có vào ngày 10/5.
Ở những nơi khác ở châu Âu, Thụy Điển được cho là có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào ngày 8/5 do lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến.
Bức tranh hỗn hợp của kinh tế Anh.
4/ Úc quyết định lãi suất
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ họp vào ngày 7/5 và đây là thời điểm đáng chú ý sau khi lạm phát quý 1 nóng hơn dự kiến, sau khi RBA hồi tháng 3 đã báo hiệu việc sẽ giảm thắt chặt tiền tệ.
Dự kiến RBA lần này sẽ không có sự thay đổi chính sách nào nhưng thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ mọi bình luận từ Thống đốc Michelle Bullock.
Hoảng sợ bởi số liệu lạm phát, thị trường đã thu hẹp khả năng RBA phải tăng lãi suất một lần nữa.
Mặc dù vậy, nếu RBA có buộc phải tăng lãi suất trở lại thì điều đó cũng không giúp ích được gì nhiều cho đồng AUD của Úc, đồng tiền này tiếp tục chật vật dưới mức 0,66 USD ăn 1 AUD.
Ngân hàng Úc dự kiến giữ nguyên lãi suất.
5/ Thị trường hàng hóa chuyển từ nóng sang lạnh
Một số mặt hàng tăng giá rất mạnh trong thời gian qua nhưng nay đột ngột giảm sâu, đặc biệt là dầu, vàng, cà phê và cacao.
Chỉ trong vòng một tuần, giá cacao giảm 25%, trong khi cà phê giảm 11%, vàng cũng giảm tuần thứ 2 liên tiếp và dầu giảm mạnh nhất trong 3 tháng.
Diễn biến thị trường hàng hóa sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong những ngày tới.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp Sống Thị Trường