Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG ) cho biết công ty đã đảm bảo được đơn hàng xuất khẩu cho quý 2/2024 và sản lượng tiêu thụ có thể tăng 10% so với quý 1/2024.
Sản lượng tiêu thụ qua các quý của Thép Nam Kim. (Nguồn: Thép Nam Kim, SSI Research)
Kết thúc quý 1/2024, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) đã tăng tới 31,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 255.000 tấn - mức cao nhất kể từ quý 2/2022.
Trong đó, kênh xuất khẩu ghi nhận sản lượng tăng tới hơn 66%, giúp bù đắp lại mức giảm 9,1% so với cùng kỳ của kênh nội địa. Theo đó, công suất hoạt động tại nhà máy của Thép Nam Kim đã đạt khoảng 90% trong quý 1/2024.
Đồng thời, giá bán thép trung bình trong quý 1/2024 tăng 5% so với quý 4/2023, giúp biên lợi nhuận ròng của Thép Nam Kim tăng đáng kể lên 2,8% - mức cao nhất kể từ quý 3/2022.
Kết quả, Thép Nam Kim ghi nhận lãi ròng đạt khoảng 150 tỷ đồng trong quý 1/2024, cải thiện mạnh so với mức lãi 22,5 tỷ đồng của quý 4/2023 và mức lỗ hơn 49 tỷ đồng của quý 1/2023.
Trong năm nay, Thép Nam Kim lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty này đã hoàn thành 35,7% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Chênh lệch giá thép nới rộng giữa các thị trường phát triển và Việt Nam trong khoảng thời gian cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 đã giúp Thép Nam Kim cải thiện đáng kể lợi nhuận khi khoảng 70% sản lượng xuất khẩu của công ty hướng đến thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
Diễn biến giá HRC (USD/tấn) tại thị trường Bắc Âu, Bắc Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian vừa qua. (Nguồn: Bloomberg)
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thép Nam Kim, sản lượng tiêu thụ trong quý 2/2024 có thể tăng 10% so với quý 1/2024, cán mốc 280.000 tấn. Đáng chú ý, công ty đã đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu cho quý 2/2024. Mặc dù giá bán có thể thấp hơn quý 1/2024 nhưng sản lượng bán hàng được kỳ vọng sẽ tốt hơn. Do đó, công ty hoàn toàn có cơ sở để đạt được kế hoạch 420 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.
Đồng thời, ban lãnh đạo Thép Nam Kim cho biết, lượng thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ hiện chỉ chiếm tỷ trọng vừa phải từ 20 - 25% tổng lượng HRC đầu vào của công ty.
Do đó, trong trường hợp thép HRC Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá thì cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. Thép Nam Kim có thể chuyển sang sử dụng nguồn HRC từ Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản; tuy nhiên, giá từ các thị trường này có thể cao hơn giá HRC Trung Quốc.
Dựa trên các diễn biến thị trường hiện tại, SSI Research dự báo biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo của Thép Nam Kim có thể sẽ giảm so với mức cao của quý 1/2024 do giá xuất khẩu giảm. Giá thép trung bình tại một số thị trường xuất khẩu đã giảm khoảng 15-25% so với mức đỉnh trong tháng 1/2024.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 7/5, cổ phiếu NKG có giá tham chiếu tại mức 23.400 đồng/cổ phiếu.
Duy Quang