Nợ xấu BĐS có xu hướng gia tăng

Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng từ 1,53% lên mức 2,47% trong vòng 1 năm qua (từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023).

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hôm 15/8 đã chỉ rõ các nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm ở mức thấp. Trong đó, khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Báo cáo của NHNN cho biết, tín dụng bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng BĐS tăng cao sẽ kéo theo tín dụng hoàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, tín dụng BĐS tăng 4,68% (thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung là 4,73%).

Trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng khoảng 17,4%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (khoảng 10,73%). Đây là mức tăng trưởng rất cao (gấp gần 4 lần tăng trưởng tín dụng chung).

Nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS (chiếm đến 65% tổng dư nợ tín dụng BĐS) lại giảm khoảng 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng khoảng 31%.

Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.

Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, khó khăn về pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về pháp lý nên chưa đáp ứng điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

Cũng theo NHNN, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tín dụng tăng trưởng thấp, là một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn (nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV).

Việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế do một số vấn đề: Quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; Thiếu phương án kinh doanh khả thi; Thông tin về tình hình tài chính của DNNVV thiếu minh bạch…

NHNN cũng nhận định nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Đồng thời nhu cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng thặt chặt, đặc biệt các khoản chi tiêu không thiết yếu dẫn đến giảm nhu cầu tín dụng tiêu dùng.

Về phía các ngân hàng, theo NHNN, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao; thị trường đầu ra, doanh thu giảm…), tổ chức tín dụng khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng, để đảm bảo an toàn hệ thống.

Đáng chú ý, NHNN khẳng định, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao, không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản hệ thống ngân hàng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hay cơ chế chính sách, lãi suất cho vay.

Cơ quan này cho biết, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9,5%, tương đương hơn 1,1 triệu tỷ đồng để tăng trưởng tín dụng), cơ chế chính sách tín dụng từ đầu năm 2023 đến nay không có thay đổi.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay có xu hướng giảm. Theo NHNN, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1%/năm so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và đồng bộ các biện pháp của NHNN.