Nợ xấu ngân hàng đồng loạt tăng

Kết thúc quý I/2024, nợ xấu tại các ngân hàng đồng loạt tăng lên, nguyên nhân là do tác động từ bên ngoài cùng những khó khăn nội tại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nợ xấu tăng nhanh

Báo cáo tài chính của các ngân hàng công bố cho thấy, nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2024. Tại PGBank, nợ xấu cuối quý I/2024 của là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng từ mức 2,85% lên 2,93%.

Ảnh minh hoạ

Tại MSB, tổng nợ xấu ghi nhận tại thời điểm 31/3/2024 là 4.960 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay của ngân hàng tăng từ 2,87% hồi đầu năm lên 3,18% vào cuối tháng 3.

Báo cáo tài chính của Sacombank cho thấy, tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 là hơn 11.402 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Song, ngân hàng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ được duy trì ở mức đầu năm là 2,28%.

Tại Eximbank, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2024 là 4.203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã tăng từ mức 2,65% hồi đầu năm lên 2,86% vào cuối quý I.

Tại BaoVietBank, tổng 3 nhóm nợ xấu là 1.740,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,4%. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và 4 (nợ nghi ngờ) giảm đáng kể nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) bất ngờ tăng mạnh 20,8% so với thời điểm đầu năm.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ gia hạn thêm Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ kéo dài thêm thời hạn đến hết năm 2024, thay vì kết thúc vào ngày 30/6 như quy định cũ, song sự lo ngại nợ xấu gia tăng vẫn hiện hữu.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, mức độ, liều lượng của chính sách cần phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề. Thứ nhất là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hai là hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, trước mắt chính sách sẽ chỉ được kéo dài thêm 6 tháng. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.

Tuy nhiên, nhìn trên toàn hệ thống, không phải ngân hàng nào cũng có dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN chiếm tỷ lệ cao. Điều này cũng không có nghĩa các ngân hàng này không hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định của NHNN mà rất có thể ngược lại, ngân hàng "cần điều kiện cần và đủ", đó ngân hàng đã có sàng lọc và đồng hành, tư vấn tín dụng đảm bảo chất lượng tín dụng ngay từ đầu vào khách hàng.

Mặt khác, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc tiếp tục áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN một phần nợ xấu được tạm che giấu, nhưng sẽ áp lực lớn về nợ xấu cho hệ thống vì nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) không được thể hiện một cách chính xác.

Cấp tập trích lập dự phòng

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đưa ra cảnh báo về rủi ro về nợ xấu khi thông tư này hết hiệu lực. Khi đó, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính. Do đó, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.

Thực tế các vấn đề doanh nghiệp hiện đang đối mặt không chỉ là vấn đề lãi suất, mà còn phải đối mặt với những khó khăn khác. Cụ thể, căng thẳng Biển Đỏ, lại đến tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu thêm khó vì chi phí đầu vào, vận chuyển quốc tế đắt đỏ.

Cũng theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá USD liên tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao. Người dân sẽ thắt chặt chi tiêu khiến sức mua trên thị trường giảm, doanh nghiệp sẽ càng kiệt quệ.

Sau khi cơ cấu nợ, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo 2 giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích đủ 100% vào cuối năm 2024.

Lãnh đạo VIB cho hay, sẽ cố gắng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% vào cuối năm 2024. Nợ cơ cấu của VIB xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ. Năm ngoái, ngân hàng trích lập dự phòng 4.800 tỷ đồng, sử dụng 3.600 tỷ đồng để xử lý rủi ro. Trong 3 tháng đầu năm nay, VIB đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro.

Quý đầu năm, Eximbank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Kết quả, ngân hàng chỉ còn lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. VietinBank cũng dành hơn 8.049 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm, tăng đến 20% so với cùng kỳ. Kết quả, ngân hàng chỉ lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng trong quý I, tăng 4% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi bị trì hoãn ghi nhận nợ xấu thực tế, trong khi kinh tế hiện phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ hao hụt lợi nhuận.

Các chuyên gia phân tích của SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ 1,63% lên 1,68%), do dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và đẩy mạnh trích lập dự phòng. Song các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ.

Trâm Anh-Link gốc

https://kinhtedothi.vn/no-xau-ngan-hang-dong-loat-tang.html