Coteccons (HoSE: CTD) đã kết thúc năm 2022 với doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước, đánh dấu cho bước nhảy vọt đầu tiên dưới triều đại Bolat Duisenov. Điều gì đã làm nên thành tựu này trong một năm ngập tràn khó khăn của ngành xây dựng? Đằng sau con số doanh thu năm 2022 của Coteccons Với những người quan sát CTD, 2022 có thể xem là một năm khá đáng nhớ, bởi đây là năm đầu tiên sau “thời kỳ nội chiến” (2019-2020), công ty có doanh thu tăng trưởng. Đây cũng là năm CTD đòi lại ngôi vị doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam (xét theo doanh thu) từ tay Hòa Bình (HoSE: HBC) sau đúng 1 năm mất ngôi. Nhìn kỹ hơn, CTD đã có 2 quý liền tiếp trong năm 2022 tăng trưởng doanh thu bằng lần: quý III tăng gấp 3 lần, quý IV tăng gấp 2 lần. Và nếu loại trừ chi phí dự phòng, CTD đã có thể có lợi nhuận trước thuế trên 300 tỷ đồng. Nói về dự phòng, trước đây, nhiều thông tin đồn đoán rằng Coteccons có nguy cơ gia tăng nợ xấu tới 40% khoản phải thu, tương ứng với 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông 2022, bà Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng, đã thẳng thừng bác bỏ thông tin này, khẳng định nợ cảnh báo của Coteccons chỉ chiếm 14% khoản phải thu, nghĩa là đúng bằng lũy kế trích lập dự phòng 1.049 tỷ đồng hiện giờ. Việc trích lập dự phòng ngoài dự kiến trong 2022 tới 388 tỷ đồng đã làm giảm lợi nhuận sau cùng của CTD trong năm 2022. Tuy nhiên, cổ đông CTD cũng không cần lo lắng quá nhiều, bởi trích lập dự phòng không có nghĩa là mất đi khoản lợi nhuận đó. Trong tương lai, khi việc thu hồi công nợ có tiến triển thì lợi nhuận của CTD có thể tăng đột biến bởi sẽ được hoàn nhập khoản dự phòng khổng lồ này. Ngay năm 2022, CTD đã hoàn nhập hơn 41 tỷ đồng, qua đó giúp lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm. Trở lại với câu chuyện doanh thu, có thể nói đạt được cột mốc 14.500 tỷ đồng là một thành tựu không nhỏ của CTD, nếu như biết rằng vào năm 2020 và đầu năm 2021, công ty từng ở trong tình trạng trắng hợp đồng ký mới, do phần lớn khách hàng đã bị nhóm lãnh đạo cũ mang đi và uy tín công ty sụt giảm nặng nề. Nhưng kế hoạch cải tổ của Bolat Duisenov, với sự tăng cường của phòng đấu thầu, đã giúp CTD có được 25.000 tỷ giá trị hợp đồng kí mới vào cuối năm 2021 – một kết quả gây choáng với thị trường bấy giờ. 6 tháng đầu năm 2022, CTD có thêm 16.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng kí mới nữa, nâng tổng giá trị hợp đồng kí mới thời điểm đó lên con số gần 41.000 tỷ đồng. Cũng cần nhắc thêm rằng CTD đang ghi nhận backlog theo cách tính mới, với đa phần là hợp đồng theo mô hình fast-track, tức là giá trị hợp đồng ký ghi nhận theo thực tế, thay vì cộng cả giá trị các MOU (biên bản ghi nhớ hợp tác). 65 dự án được thi công trong năm 2022, đến từ khối backlog khổng lồ nêu trên, là nguồn cơn cho bước nhảy vọt về doanh thu trong năm 2022. Nhưng điều đáng chú ý hơn nữa là trong số 65 dự án đó, có một phần rất lớn đến từ các khách hàng cũ. Và đây chính là chiến thuật đỉnh cao mà CTD đã thực hiện bấy lâu – “repeat sales” (bán hàng lặp lại). Hiệu quả của “repeat sales” là CTD không chỉ được mời dự gói thầu thứ 2, thứ 3 mà còn được chủ đầu tư dự án chỉ định thầu. Chẳng hạn như tại dự án tổ hợp sản xuất VinFast, chủ đầu tư đã chỉ định trực tiếp cho CTD (tới nay đã là Vinfast 3). Tương tự là Vinhomes với loạt các dự án tại Ocean Park, Smart City, Grand Park hay Ecopark với gói thầu Sky Forest trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Gần đây, “repeat sales” tiếp tục đưa về cho CTD dự án nhà máy Apache giai đoạn 2 có giá trị khoảng 600 tỷ đồng với quy mô 3,5ha. Như vậy có thể thấy “repeat sales” không chỉ đảm bảo được backlog và doanh thu cho CTD mà đây còn được xem là một trong những cách quản trị rủi ro hiệu quả. Bởi thông qua những lần hợp tác cũ, CTD có thể biết khá rõ về sức khỏe tài chính, khả năng chi trả của khách hàng. Điều này giúp hạn chế rủi ro phát sinh nợ xấu, một điều rất có ý nghĩa khi công ty đang phải dự phòng hơn 1.049 tỷ đồng, kể từ khi ban lãnh đạo CTD quyết tâm theo đuổi phương châm minh bạch hóa nhằm tách bạch giữa 2 thời kỳ ban điều hành. Tất nhiên khi nhìn vào tổng khoản phải thu của CTD là 11.612 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm và chiếm hơn 61% tổng tài sản (đầu năm tỷ lệ này ở mức 49%) thì rất nhiều người sẽ băn khoăn những khoản này có rủi ro hay không. Nhưng cần nhắc lại rằng tệp khách hàng mà CTD đang làm việc khá an toàn khi công ty đã chủ động dịch chuyển khỏi những ông trùm bất động sản từng bị điểm danh mất thanh khoản sang những dự án FDI và những chủ đầu tư an toàn hơn. Do đó, tuy rằng khoản phải thu tăng khiến nhu cầu vốn lưu động phát sinh nhưng tỷ lệ đòn bẩy thấp nhất, nợ trên vốn chủ của CTD hiện giờ chỉ là âm 21,5%. Đặt trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy “repeat sales” đã mang lại lợi ích to lớn khi vừa giúp CTD duy trì nguồn khách hàng lớn trong bối cảnh thị trường xây dựng đang cạnh tranh cực kỳ khốc liệt mà không phải lao vào “cuộc đua xuống đáy” về giá, vừa củng cố cho những giá trị “Coteccons Inside” mà doanh nghiệp này đang theo đuổi (như: “Tập trung vào trải nghiệm khách hàng thông qua quá trình hợp tác, trong đó sự hài lòng và tính tiện lợi sẽ được đề cao; Tăng cường việc mang lại các giá trị cộng thêm là ưu tiên hàng đầu trong quá trình vận hành hợp tác kinh doanh, tối ưu hóa lợi ích của khách hàng”). CTD vẫn còn 17.000 tỷ đồng backlog cho năm 2023 (chưa kể dự án Lego) – một nguồn dự trữ quan trọng để duy trì doanh thu và nuôi tham vọng tăng trưởng trong một năm được đánh giá là còn khốc liệt hơn cả 2022. Và dù chưa công bố những kế hoạch chi tiết về doanh thu, lợi nhuận năm 2023, song với những gì đang thể hiện, việc nghi ngờ quá nhiều về sự trở lại của doanh nghiệp xây dựng từng là vĩ đại nhất có lẽ là một sự không công bằng với “người Coteccons”. Theo báo Đằng sau con số doanh thu năm 2022 của Coteccons (vietnamfinance.vn)