Kiểm toán điều chỉnh giảm thêm 483 tỷ đồng, dẫn tới sau soát xét, Novaland (NVL) lỗ 1.094 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
CTCP Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã chứng khoán NVL) công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 với rất nhiều điều chỉnh so với số liệu trên BCTC quý 2/2023 do công ty tự lập.
Lỗ thêm 483 tỷ đồng, nâng tổng lỗ nửa đầu năm lên 1.100 tỷ
Báo cáo ghi nhận sau soát xét Novaland điều chỉnh giảm thêm 483 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng điều chỉnh tăng số lỗ từ 611 tỷ đồng theo báo cáo công ty tự lập, lên thành lỗ 1.094 tỷ đồng.
Nguyên nhân được giải trình do trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên Novaland cũng giải thích thêm “đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483 tỷ đồng nêu trên”. Cụ thể:
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Sau soát xét Novaland ghi nhận *“*dự phòng giảm giá hàng tồn kho” 160,9 tỷ đồng, điều chỉnh tăng 158 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập trước đó (chỉ hơn 2 tỷ đồng). Đây chủ yếu điều chỉnh tăng dự phòng giảm giá hàng tồn kho của hạng mục bất động sản đang xây dựng để bán.
Lợi nhuận gộp: Về kết quả kinh doanh, sau soát xét doanh thu thuần đạt 1.658 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn, lãi gộp đạt 477 tỷ đồng, giảm 74,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp được điều chỉnh tăng thêm 145 tỷ đồng so với số liệu trước soát xét nhờ kiểm toán viên đã điều chỉnh giảm chi phí vốn.
Chỉ tiêu “lợi nhuận khác” được điều chỉnh giảm từ 296 tỷ đồng xuống âm 6 tỷ đồng, tương ứng điều chỉnh giảm 302 tỷ đồng so với trước soát xét. Nguyên nhân chủ yếu do điều chỉnh giảm khoản “thu nhập khác” 310 tỷ đồng mà công ty tự ghi nhận – là khoản thu được giải trình từ “thu tiền phạt vi phạm hợp đồng” trên BCTC công ty tự lập.
Lợi nhuận sau thuế: Những điều chỉnh chính trên khiến Novaland lỗ thêm 483 tỷ đồng sau soát xét, nâng tổng lỗ 6 tháng đầu năm 2023 lên 1.094 tỷ đồng – trong khi nửa đầu năm 2022 vẫn lãi sau thuế 1.818 tỷ đồng.
Kiểm toán nêu vấn đề nhấn mạnh: Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Novaland
Kiểm toán viên cho biết mặc dù không đưa ra kết luận ngoại trừ, nhưng vẫn lưu ý người đọc đến thuyết minh 2.2 của BCTC hợp nhất giữa niên độ. Thuyết minh cho thấy Tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ thuần 1.094 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình kinh doanh của Tập đoàn.
Giả định về hoạt động liên tục của Tập đoàn phụ thuộc vào khả năng Novaland có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Những điều này cùng với những điều khác được nêu trong thuyết minh 2.2 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Nội dung thuyết minh 2.2 trên BCTC của Novaland.
Tổng nợ vay tài chính của Novaland đến hết quý 2 là 61.578 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng tài sản. Tuy vậy trong tổng số gần 257.300 tỷ đồng tổng tài sản của Novaland, có đến 139.000 tỷ đồng là hàng tồn kho (trong đó có gần 127.800 tỷ đồng là bất động sản để bán nhưng đang xây dựng, chỉ hơn 11.100 tỷ đồng đã hoàn thành để bán), hơn 43.800 tỷ đồng là “phải thu dài hạn khác” (trong đó có đến 39.200 tỷ đồng đã dùng để hợp tác đầu tư cùng đối tác). Đây chính là điều tạo nên áp lực tài chính lớn nhất trong khối nợ vay của Novaland.
Novaland được nhắc tên nhiều nhất gần đây ở cả 2 chiều: ở chiều hướng tích cực, nhiều dự án của doanh nghiệp đang được tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt vướng mắc về pháp lý, bên cạnh đó nhiều lô trái phiếu quá hạn của Novaland đã đàm phán được với trái chủ về việc gia hạn hoặc chuyển đổi. Ở chiều ngược lại, cũng không ít lô trái phiếu của Novaland và các công ty con không đạt được thỏa thuận với trái chủ, khiến doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy áp lực tài chính.