OECD hối thúc Italy đẩy mạnh cải cách tài chính

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã thúc giục Italy cần có nỗ lực lớn để giảm thâm hụt ngân sách trong những năm tới.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế mùa Xuân công bố ngày 2/5, OECD nhấn mạnh thâm hụt ngân sách của Italy sẽ thu hẹp, nhưng vẫn ở mức trên 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho đến năm 2025. Tỷ lệ nợ công sẽ vẫn cao và có áp lực chi tiêu đáng kể từ nhu cầu đầu tư và chi phí già hóa dân số.

Italy sẽ cần phải có một sự điều chỉnh tài chính lớn và bền vững trong vài năm để đáp ứng áp lực chi tiêu trong tương lai, đồng thời đưa tỷ lệ nợ vào con đường thận trọng hơn và tuân thủ các quy định tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU). Việc điều chỉnh nên bao gồm các hành động quyết đoán để giải quyết vấn đề trốn thuế, hạn chế sự gia tăng chi tiêu lương hưu và tiến hành đánh giá chi tiêu đầy tham vọng.

OECD đưa ra dự báo rằng GDP của Italy sẽ tăng 0,7% trong năm nay, thấp hơn dự báo của chính phủ là 1%. Lạm phát cao trong hai năm qua đã làm xói mòn thu nhập thực tế, trong khi điều kiện tài chính vẫn bị hạn chế và hầu hết các khoản viện trợ đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng và COVID-19 đã bị hủy. Đây đều là những yếu tố tác động đến tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

OECD nhận thấy xu hướng lạm phát tại Italy là tích cực: ước tính lạm phát sẽ giảm mạnh từ 5,9% hồi năm 2023 xuống còn 1,1% trong năm nay, sau đó là 2% vào năm 2025. Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ mức 7,6% của năm 2023 xuống 7,4% trong năm nay rồi 7,3% vào năm 2025.

Về tài chính công, OECD đánh giá tỷ lệ nợ của Italy sẽ tăng trở lại trong năm nay, từ tương đương 137,1% GDP vào năm 2023 lên tương 139,1% GDP trong năm nay rồi tiếp tục tăng lên 140% GDP vào năm 2025.

OECD khuyến cáo để đưa tỷ lệ nợ/GDP trở lại con đường bền vững hơn, Italy cần phải điều chỉnh tài chính trên diện rộng và kéo dài trong nhiều năm. Mục tiêu là giải quyết áp lực chi tiêu trong tương lai và tôn trọng các quy định tài chính mới của EU.

Việc tăng tốc đầu tư công liên quan đến Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (PNRR) có thể thúc đẩy tăng trưởng của Italy trong năm 2024 và 2025. Việc sử dụng toàn bộ nguồn vốn này có nghĩa là chi tiêu chính phủ phải tăng từ tương đương 1% GDP trong năm 2023 lên trung bình khoảng 2,5% GDP trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2026.

Rủi ro chính đối với Italy là việc dừng áp dụng chương trình ưu đãi thuế Super bonus, vốn đã trở nên không bền vững đối với tài chính công và gây ra sự sụt giảm cao hơn dự kiến trong đầu tư bất động sản.

Trong khi đó, việc giảm thuế - dù chỉ là tạm thời - và việc tăng chi tiêu công liên quan đến PNRR phần lớn bù đắp cho việc giảm hỗ trợ tài chính cho các gia đình và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình hình tài chính trung lập vào năm 2024 và thắt chặt tài chính ở mức vừa phải trong 2025 cho Italy .

Dương Hoa (P/v TTXVN tại Rome)

https://bnews.vn/oecd-hoi-thuc-italy-day-manh-cai-cach-tai-chinh/332349.html