Làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp bùng nổ
05/05/2022
Các dự án bất động sản công nghiệp đổ mạnh vào thị trường Bình Phước
Thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng mạnh khi nguồn vốn FDI đổ về. Việc Quốc hội thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 347.000 tỷ đồng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ là động lực cho nhóm bất động sản khu công nghiệp phát triển nhộn nhịp trở lại, đặc biệt tại những địa phương có điều kiện về hạ tầng và lợi thế quỹ đất. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Long An, Đồng Nai, Bà rịa – Vũng tàu, làn sóng đầu tư khu công nghiệp có xu hướng dịch chuyển về các thị trường mới như Bình Phước. Tỉnh này thời gian qua đẩy nhanh phát triển hàng loạt dự án BĐS khu công nghiệp quy mô lớn.
Cụ thể, trong tháng 2/2022 UBND tỉnh Bình Phước thẩm định đồ án quy hoạch phân khu xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Minh Hưng III giai đoạn 2 (huyện Chơn Thành) với quy mô 577 ha. Theo đó, khi các nhà máy tại khu công nghiệp Minh Hưng III giai đoạn 2 được xây dựng sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 22.000-23.000 lao động. Công ty Thành Phương cũng vừa khởi công xây dựng các cụm công nghiệp Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng 1 có tổng quy mô hơn 230 ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng trên địa bàn TP. Đồng Xoài và huyện Đồng Phú. Đây là các cụm công nghiệp tổng hợp, đa ngành, sau khi hoàn thành sẽ thu hút các ngành nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng.
Trước đó, cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã họp xem xét thông qua quy hoạch mở rộng 2 khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú giai đoạn 2, diện tích 317 ha; Becamex triển khai dự án KCN Becamex - Bình Phước thuộc địa bàn huyện Chơn Thành đang triển khai có tổng diện tích 4.600 ha, trong đó khoảng 2.400 ha đất khu công nghiệp và 2.200 ha đất dịch vụ và đô thị, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.
Theo Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Phước, địa phương này hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động. Giai đoạn 2021-2030, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã phê duyệt. Dự kiến, đến năm 2030 Bình Phước có khoảng 18.000 ha đất công nghiệp. Nếu thực hiện được sẽ đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đối với cả vùng Đông Nam Bộ.
Đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm
Để đón dòng vốn đầu tư KCN mạnh mẽ, thị trường này đang được ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng liên kết vùng. Trong buổi làm việc ngày 20/3 với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu địa phương này ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc chiến lược. Điển hình là tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (TP HCM - Bình Dương - Bình Phước); cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành (Đắk Nông - Bình Phước).
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh giao thông Bình Phước ở vị trí kết nối giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Vì vậy, việc dồn lực xây các tuyến cao tốc mở ra không gian phát triển mới, kết nối và góp phần giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông cho Tây Nguyên – một địa bàn khác cũng có tầm quan trọng chiến lược.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị liên quan việc triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Trong đó, Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần chủ động giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, làm việc với Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, nối Bình Phước và Đồng Nai. Khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ cảng Thị Vải theo quốc lộ 51, đường tỉnh 767, đường tỉnh 761, đường tỉnh 753, quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang quốc lộ 13 qua nước bạn Campuchia thì trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Bình Phước sẽ thuận lợi rất nhiều trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Dự án xây dựng cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11m, dài 90 m. Công trình nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường đường tỉnh ĐT.753 có chiều dài 30 km, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng. Theo quy hoạch mạng lưới giao thông giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng phê duyệt, tuyến ĐT.753 sẽ được nâng cấp thành quốc lộ 13C đi từ thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cùng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, quỹ đất dành cho bất động sản công nghiệp bậc nhất Đông Nam Bộ, Bình Phước đang là ngôi sao mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng là đòn bẩy đột phá kinh tế, tăng trưởng dân số cho địa phương, tạo nền tảng gia tăng giá trị bất động sản nhanh và bền vững.