OIL triển vọng

Đầu năm 2022, Chính phủ đã có những quy định mới về kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP, qua đó giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng, tỷ lệ dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu là 20 ngày.

Vào những năm trước, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (UPCoM: OIL) đã điểu chỉnh số ngày hàng tồn kho gần với số ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa rủi ro khi giá dầu giảm.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, số ngày hàng tồn kho của cả OIL và PLX đều tăng mạnh, lần lượt là 28 ngày và 46 ngày cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa về lợi thế giá dầu tăng, tích trữ lượng lớn xăng dầu nhằm gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, doanh thu và lợi nhuận của OIL phụ thuộc vào cơ chế giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Công thương.

Trong quý II vừa qua, kết quả kinh doanh của OIL khả quan hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh là PLX. Trong khi PLX lỗ khá nặng, OIL báo lãi sau thuế tăng 72% so với cùng kỳ, đạt gần 510 tỷ đồng. Bất chấp các chi phí tăng đáng kể, doanh thu tăng mạnh 127% lên 30.414 tỷ đồng là động lực tăng trưởng lợi nhuận của OIL.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 19% kế hoạch doanh thu (45.000 tỷ đồng) và vượt 98% kế hoạch lợi nhuận (400 tỷ đồng).

Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự phóng doanh thu của OIL đạt 77.736 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 35% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.075 tỷ đồng, tăng trưởng 39%. PSI giả định biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhờ giá bán trung bình cao hơn các năm 2021 và tổng lượng tiêu thụ xăng dầu tăng nhờ nền kinh tế hồi phục trở lại sau đại dịch.

Như vậy, doanh thu hai quý cuối năm dự báo sẽ đạt 24.033 tỷ đồng (giảm 4,6% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, giảm gần 40%. Doanh thu và lợi nhuận dự báo giảm trong quý tới do những e ngại về biến động giá dầu giảm.

Hiện PSI khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu OIL, giá mục tiêu 12 tháng là 14.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng 7%. Khuyến nghị này dựa trên những đánh giá cẩn trọng dựa trên các nhân tố ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của OIL, bao gồm giá dầu biến động mạnh do chiến tranh Nga-Ukraine và sự hoạt động trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế các nước; chính sách hàng tồn kho xăng dầu trong giai đoạn biến động giá mạnh; nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động chưa ổn định.