OMO tăng và một số bank tăng lãi suất huy động, liệu có đáng lo?

Các tháng gần đây vấn đề tỷ giá luôn là mối quan tâm hàng đầu của NHNN và nhà đầu tư chứng khoán. Giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại thường xuyên lên sát hoặc ngang mức trần nhà điều hành cho phép, tức trên 5% so với tỷ giá trung tâm kể từ cuối tháng 3/2024. Theo thống kê đồng VND đã mất giá khoảng 4.9% so với USD, việc đồng nội tệ mất giá không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà làm vấn đề chung của các nước đang phát triển, VND đã mất giá bằng mức trượt giá được dự báo cho cả năm 2024 nên SBV phải can thiệp thôi, không tránh khỏi.

Ngân hàng nhà nước chọn bán USD và nâng lãi suất OMO

Để giải quyết rủi ro về tỷ giá, SBV đã đưa ra động thái tăng lãi suất trên thị trường OMO lên 4,5% (kỳ hạn 7 ngày). Đây là lần thứ hai NHNN tăng lãi suất OMO chỉ trong vòng 01 tháng vừa qua. SBV cũng tăng cường bán USD trong thời gian một tháng gần đây. Ước tính lượng USD bán ra chạm mức 4,1 tỷ USD kể từ tháng 4/2024.

Thông tin này phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy, mỗi lần NHNN thực hiện điều chỉnh lãi suất thông qua các công cụ khác nhau, thị trường chứng khoán đều bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định.

Nhà đầu tư lo lắng những điều chỉnh của SBV tuần qua có phải sự đảo chiều chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt hay không trong bối cảnh tỷ giá USD đang tăng trở lại. Tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào?

Bài viết này tôi sẽ tâp trung vào giải quyết các vấn đề lo ngại của nhà đầu tư.

Thứ nhất: Áp lực thanh khoản của hệ thống vẫn đang khá dư thừa dù SBV bán USD

Việc bán hơn 4,1 tỷ USD sẽ cần sử dụng lượng VNĐ để hấp thụ, nghĩa là cung tiền thị trường tài chính bị rút mạnh hơn 85,000 tỷ VND trong ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng nhất định lên thanh khoản liên ngân hàng. Để bù đắp lượng thiếu hụt này, SBV chủ động bơm mạnh tay trên OMO để trung hòa lượng thanh khoản VND bị hút, hay nói cách khác là có sự “bơm” và “hút” nhịp nhàng. Nhờ đó mà thanh khoản hệ thống vẫn đảm bảo chứ không có tình trạng cạn kiệt thanh khoản gây ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường chứng khoán.

Việc tăng lãi suất OMO ngắn hạn của SBV đã góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường tài chính, từ đó giảm áp lực tỷ giá tổng thể.

Thứ 2: Tăng lãi suất nếu có chỉ là ngắn hạn – Chính sách vẫn duy trì nới lỏng kéo dài và đến giữa 2025 cũng chỉ ở mức trung lập chứ khó có câu chuyện thắt chặt

Sự can thiệp lần này của SBV là để "chữa cháy tạm thời” những áp lực về tỷ giá và thanh khoản trong ngắn hạn và không có ý nghĩa đảo chiều chính sách. Vì sao tôi dám khẳng định điều này?

Ngân hàng trung ương có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế thông qua các công cụ Chính sách tiền tệ (CSTT). Và một nguyên tắc quan trọng của CSTT đó là tính kháng chu kỳ “counter-cycle”, tính chất này có ý nghĩa là chính sách phải mở rộng hỗ trợ khi nền kinh tế khó khăn và chỉnh sách tiền tệ chỉ thắt chặt khi lạm phát tăng nóng sau thời gian kinh tế tăng trưởng kéo dài. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phục hồi mà thôi, kinh tế ngoài kia còn khó khăn thì chính sách khó có thể nào thắt chặt. Định hướng và mục tiêu hàng đầu hiện nay của Chính phủ vẫn là đảm bảo các chính sách hỗ trợ và kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đó, mục tiêu trọng tâm ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế (6-6.5% tăng trưởng GDP), giữ vững ổn định vĩ mô và giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam.

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích các doanh nghiệp phục hồi sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ phục hồi thực tế chậm hơn so với dự kiến khi số liệu tính đến thời điểm 25/03/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 0,26%, chính thức dương trở lại sau 2 tháng tăng trưởng âm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cung - cầu tiêu dùng của nền kinh tế còn yếu và mức độ hấp thụ vốn tín dụng còn thấp do lĩnh vực BĐS chưa phục hồi. Tuy nhiên khi các bất ổn về tỷ giá và thanh khoản hệ thống liên ngân hàng được giảm thiểu, Chính phủ vẫn hướng đến việc duy trì CSTT nới lỏng kéo dài để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Thứ 3: Lãi suất huy động tăng nhưng cần xem mặt bằng lãi suất có ảnh hưởng thị trường được hay không?

Gần đây rục rịch một số tin tức hay báo chí bàn về việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng thực chất là lãi suất tăng nhưng nền lãi suất vẫn ở mức rất thấp so với lịch sử và các bank tăng cũng chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn phù hợp với động thái của SBV.

Trước tiên như đã khẳng định ở trên lãi suất chỉ tăng để đối phó với vấn đề tỷ giá ngắn hạn. Với lãi suất huy động một số bank có tín hiệu nâng lãi suất nhưng không đáng kể và xu hướng gia tăng lãi suất từ nay đến cuối năm cũng được dự báo ở mức hạn chế. Cụ thể hơn, so sánh với thời điểm trước dịch, mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện tại thậm chí còn thấp hơn và chỉ ngang với mức lãi suất trong dịch. Lãi suất huy động tăng chủ yếu tập trung vào các Ngân hàng có quy mô nhỏ, trong khi nhóm BIG4 vẫn duy trì mức lãi suất huy động thấp quanh mức 4,6 - 4,8%/ kỳ hạn 12 tháng.

Nền lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng dù có gia tăng nhẹ nhưng vẫn nằm ở mức thấp và ở mức hỗ trợ nền kinh tế và khuyến khích tín dụng. Nhìn lại lịch sử khi nền kinh tế bắt đầu vào guồng tăng trưởng từ 2015 thì lãi suất cũng tăng dần đều nhẹ nhưng vẫn duy trì mức hỗ trợ và thị trường chứng khoán vẫn đi lên và có uptrend lớn, xu hướng này rất có thể lập lại từ 2025 và Index sẽ trở lại 1 uptrend lớn.

Tóm lại, mối lo ngại từ việc thay đổi đảo chiều chính sách nới lỏng sang thắt chặt là chưa có căn cứ xác đáng và tôi có thể khẳng định là cầm đèn chạy trước ô tô. Những can thiệp của SBV thông qua bán USD và nâng OMO là giải pháp hạn chế rủi ro tỷ giá và cân bằng thanh khoản trong hệ thống. Đây là cơ sở để SBV tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua việc duy trì mức lãi suất ở nền thấp để ưu tiên phục hồi kinh tế. Thị trường chứng khoán năm nay được hỗ trợ rất lớn bởi kinh tế phục hồi và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng trưởng 18% YoY nên các điều chỉnh nếu có chỉ là cơ hội gom hàng thôi, còn tăng thì em tự cân nhắc.