Một số nhà kinh tế cho rằng sớm muộn gì Fed cũng phải nghĩ đến kịch bản tăng lãi suất trở lại.
Tại cuộc họp mới nhất, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cố gắng để ngỏ các lựa chọn chính sách khi giữ vững nhận định rằng lãi suất đã đủ hạn chế và lạm phát nhiều khả năng sẽ quay lại xu hướng giảm.
Tuy nhiên, một loạt dữ liệu đáng thất vọng về áp lực giá và tiền lương khiến các nhà đầu tư ít chú trọng đến triển vọng chính sách tiền tệ, thay vào đó quan tâm hơn đến diễn biến của số liệu kinh tế.
Ông Neil Dutta, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Macro Research, nhấn mạnh: “Ông Powell có thể nói bất cứ điều gì ông ấy muốn, nhưng cuối cùng số liệu lạm phát mới là thứ quyết định”.
Trong tuyên bố chính sách, Fed vẫn phát đi thông điệp cũ rằng ngân hàng trung ương này nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất chứ không phải là tăng lãi suất. Các chuyên gia gọi đây là lập trường nghiêng về hướng nới lỏng.
Song, ông William English, cựu cố vấn cấp cao của Fed, cảnh báo nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục nóng hơn, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần phải loại bỏ lập trường đó, mở ra khả năng tăng lãi suất trở lại.
Ông English, hiện là giáo sư tại Đại học Yale, cho hay: “Điều chúng ta rút ra được là Fed vẫn chưa hoàn thành công việc. Nếu họ không đạt được tiến bộ hơn nữa về lạm phát thì đến một lúc nào đó họ sẽ nói, ‘Chúng tôi không biết lãi suất nên đi theo hướng nào’”.
Quả thực, Chủ tịch Jerome Powell đã cổ vũ tinh thần các nhà đầu tư khi nói ông không nghĩ có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trở lại. Tuy vậy, “thuyền trưởng Fed” vẫn để ngỏ kịch bản này. “Về mức đỉnh lãi suất, tôi nghĩ dữ liệu sẽ trả lời câu hỏi đó”, ông lưu ý.
Hai phe bên trong Fed
Bên trong ngân hàng trung ương Mỹ, một nhóm quan chức đang lo ngại về việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, đặc biệt là nếu lạm phát và tăng trưởng tiền lương đang giảm tốc.
Nếu Fed giữ lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian dài, các ngân hàng khu vực, nhà đầu tư bất động sản thương mại và những ngành vốn không chuẩn bị trước đà tăng nhanh chóng của chi phí đi vay trong hai năm qua có thể gánh thêm thiệt hại.
Một phe khác cảm thấy Fed không cần phải hạ lãi suất trong năm nay vì nền kinh tế vẫn đang mạnh mẽ. Họ lo ngại lạm phát sẽ bị mắc kẹt trên mức 2,5%, tức là cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Các quan chức này muốn có thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang chậm lại trước khi bắt đầu giảm chi phí đi vay.
Theo Wall Street Journal , loạt dữ liệu gần đây đã củng cố nhận định của phe thứ hai và làm tăng khả năng Fed phải tiếp tục chờ đợi.
Nóng ở đâu?
Để chứng minh rằng lãi suất cao thực sự giúp hạ nhiệt nhu cầu, ông Powell đã đề cập đến một loạt lý do, bao gồm sự chững lại trong hoạt động tuyển dụng và tỷ lệ công nhân bỏ việc.
Và Chủ tịch Fed cho biết ông vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ đi xuống, một phần là do những tác động có độ trễ khi chi phí nhà ở tăng chậm lại. Ông nói những tác động này chưa thể hiện vào dữ liệu lạm phát chính thức.
Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston là ông Eric Rosengren nói: “Để lạm phát tăng cao liên tục, chúng ta cần phải thấy một động lực nào đó. Hiện tại, không có một lĩnh vực cụ thể nào tăng trưởng quá nóng, khiến giá cả và tiền lương đi lên”.
Ông Rosengren lưu ý, tình hình sẽ đáng lo ngại hơn nếu tiền lương có vẻ tăng tốc trở lại. Nếu tăng trưởng tiền lương duy trì trên mức 4%, có nguy cơ là “cuộc chiến chống lạm phát sẽ tiến triển chậm hơn so với dự đoán của hầu hết mọi người”.
Mắc kẹt trên mức 3%?
Những người khác lo sợ rằng các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như nhà ở và sản xuất có thể đã chống đỡ được sức mạnh của chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong trường hợp đó, lạm phát sẽ khó mà giảm nhiều.
Nếu lạm phát mắc kẹt quanh mức 3%, các quan chức Fed có thể sẽ phải tranh luận gay gắt hơn. Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, dự đoán một số quan chức có thể sẽ trở nên “diều hâu” hơn nếu lạm phát thực sự không tiếp tục giảm.
Trong cuộc họp báo sau quyết định chính sách mới nhất, Chủ tịch Powell đã không trả lời câu hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách có thảo luận về việc tăng lãi suất hay không.
Bản thân ông nói, nếu lạm phát “tỏ ra dai dẳng hơn dự kiến và đi ngang” thì Fed sẽ trì hoãn việc hạ lãi suất, thay vì kéo lãi suất đi lên.
Ông Powell cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Fed sẽ tuyên bố chiến thắng khi lạm phát lùi về mức 3%. Ông nói: “Tất nhiên chúng tôi không hài lòng với mức lạm phát 3%”.
Theo lời giáo sư William English, việc ngân hàng trung ương Mỹ nghiêng về khả năng giảm lãi suất hơn là tăng lãi suất khá hợp lý ở thời điểm hiện tại.
“Tôi không nghĩ họ nên tăng lãi suất, nhưng quả thực bây giờ động thái tiếp theo của Fed có thể lãi suất lên cao hơn”, ông bày tỏ.