Ông Donald Trump đã “chơi bài ngửa” với một số ông trùm dầu mỏ hàng đầu của Mỹ vào tháng trước, đề nghị họ quyên góp cho ông 1 tỷ USD cho chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng và hứa rằng một khi tái đắc cử, ông sẽ ngay lập tức hủy bỏ các quy định về môi trường của ông Joe Biden và ngăn chặn bất kỳ quy định mới nào.
Ông Trump hô hào các CEO dầu mỏ rót 1 tỷ USD vào chiến dịch tranh cử của ông. Ảnh Reuters
Theo tờ Washington Post, cựu Tổng thống Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi đáng kinh ngạc, được mô tả là “cực kỳ thẳng thắn và mang tính giao dịch”, trong một bữa tối tại nhà và câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông.
Trước sự chứng kiến của hơn 20 CEO, bao gồm cả Chevron, Exxon và Occidental Petroleum, ông Trump hứa sẽ tăng cường khoan dầu ở Vịnh Mexico, xóa bỏ các rào cản đối với việc khoan dầu ở Bắc Cực Alaska và đảo ngược các quy định mới được thiết kế để cắt giảm ô nhiễm ô tô. Ông cũng sẽ loại bỏ quyết định của chính quyền Biden vào tháng 1 về việc tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên mới vốn bị tố cáo là thảm họa khí hậu.
Theo tờ Post, trích dẫn một người tham dự bữa tối giấu tên: “Quy định sẽ bị hủy bỏ vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ”.
Việc ông Trump hô hào các CEO dầu mỏ rót 1 tỷ USD vào chiến dịch tranh cử của ông, đồng thời cam kết quay lưng lại với những nỗ lực của ông Biden nhằm chống lại khủng hoảng khí hậu, đã ngay lập tức bị các nhóm môi trường tố cáo vào thứ Tư.
Pete Maysmith thuộc Liên đoàn cử tri bảo tồn (LCV) cho biết: “1 tỷ USD cho ông Trump, một tương lai khí hậu tàn khốc đối với nước Mỹ”.
Christina Polizzi của Climate Power nói với Guardian rằng ông Trump đang “đánh cược tương lai của cả hành tinh”.
“Nắm rõ kỳ vọng của các ông lớn dầu mỏ - ông Trump đã cho họ 25 tỷ USD tiền giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên - và bây giờ rõ ràng là ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà các ông lớn dầu mỏ muốn trong nhiệm kỳ thứ hai đầy tiềm năng”.
Cuộc trao đổi của cựu Tổng thống với những gã khổng lồ dầu mỏ cũng thu hút sự quan tâm của các nhóm giám sát ảnh hưởng của kinh tế trong chính trị. Jordan Libowitz, đại diện của Citizens for Responsibility and Ethics (Crew), một cơ quan giám sát chính phủ phi đảng phái, cho biết thỏa thuận này “chắc chắn trông rất giống như có qua có lại”.
Libowitz cho biết vụ việc diễn ra “rõ ràng như tôi từng thấy. Các chính trị gia thường huých nhẹ và nháy mắt, họ không nói thẳng quyên góp một tỷ USD cho tôi và tôi sẽ loại bỏ những quy định mà bạn muốn”.
Ông nói thêm nhóm pháp lý của Crew đang xem xét liệu hành vi này có vi phạm tiêu chuẩn pháp lý về hối lộ hay không.
Mối quan hệ chặt chẽ của ông Trump với ngành dầu mỏ và sự thù địch của ông đối với các quy định liên bang nhằm giảm lượng khí thải làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn được biết đến và có từ lâu. Tuy nhiên, còn 6 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, ông đang tăng cường nỗ lực thu hút quyên góp cho chiến dịch tái tranh cử từ khu vực này.
Ông Trump cũng đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò. Chắc chắn đã có được sự đề cử của Đảng Cộng hòa, ông Trump thường dẫn trước ông Joe Biden trong các cuộc khảo sát về bầu cử tổng thống, bao gồm cả việc thể hiện mạnh mẽ ở các bang xung đột có ý nghĩa quan trọng đối với cơ hội chiến thắng của bất kỳ ứng cử viên nào. Thành tích vững chắc của ông Trump đạt được bất chấp hàng loạt rắc rối pháp lý.
Về phần mình, các CEO ở các công ty dầu mỏ lớn đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai có thể xảy ra của ông Trump bằng cách soạn thảo các thỏa thuận để sẵn sàng ký ngay khi ông trở lại nắm quyền. Politico đưa tin trong tuần này, các CEO đã hợp tác với nhau để đưa ra các chính sách nhằm tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên, tăng cường khoan và gia hạn hợp đồng thuê dầu mỏ ngoài khơi.
Sự tương tác giữa ông Trump và những gã khổng lồ dầu mỏ khi cuộc bầu cử đến gần càng làm nổi bật khoảng cách lớn giữa cựu Tổng thống và người hiện đang nắm giữ Nhà Trắng. Theo phân tích của một nhóm nhóm môi trường bao gồm Sierra Club và LCV, chính quyền Biden đã thực hiện hơn 300 hành động hướng tới sức khỏe cộng đồng và năng lượng sạch tốt hơn, nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ.
Những biện pháp này bao gồm luật khí hậu quan trọng đầu tiên, Đạo luật Giảm lạm phát, đã thúc đẩy đầu tư kỷ lục vào năng lượng sạch bao gồm năng lượng mặt trời và gió và tăng doanh số bán xe điện. Lượng khí thải năng lượng của Mỹ đang giảm dần, khoảng 3% trong năm nay.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn đang khai thác nhiều dầu và khí đốt hơn bao giờ hết, đạt gần 13 triệu thùng dầu thô mỗi ngày - cao hơn gấp đôi mức khai thác một thập kỷ trước.
https://petrotimes.vn/ong-trump-choi-bai-ngua-voi-cac-tap-doan-dau-khi-my-710925.html