Theo ông Vicente Nguyen, nhịp chỉnh mang lại cơ hội lớn cho những quỹ đầu tư, vì mua rẻ sẽ không hối hận và chỉ có mua đuổi mới đem lại rủi ro.
Sau chuỗi ngày miệt mài leo dốc, VN-Index đã ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong 14 tháng khi “rơi” mất 55 điểm (tương đương 4,5%) để lùi về mốc 1.177 trong ngày 18/8. Hiện tượng bán tháo lan rộng cùng thanh khoản khổng lồ khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại về xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô 74 triệu USD) đã có một vài chia sẻ về vấn đề này.
Ông dự báo gì về xu hướng thị trường sau cú giảm mạnh 55 điểm vào phiên 18/8?
Cú giảm mạnh của thị trường trong phiên 18/8 theo tôi chỉ đơn thuần là vấn đề chốt lãi của cá nhóm đầu tư, đầu cơ sau quãng thị trường tăng quá nóng. Do đó, việc sụt giảm này chỉ liên quan đến việc giao dịch kỹ thuật chứ không phải vấn đề cơ bản hay biến động kinh tế tài chính.
Mặt khác, nhịp điều chỉnh là một bước đi cần thiết để thị trường vươn lên một tầm cao khác. Nếu nhìn lại chuỗi tăng của thị trường trong vài tháng gần đây có thể thấy đà tăng hoàn toàn không bền vững, vì nhiều cổ phiếu tăngmạnh gần như không phụ thuộc vào nền tảng kinh doanh mà chủ yếu do yếu tố đầu cơ “thổi phồng” giá trị. Khi lượng tiền lớn được bơm vào một cổ phiếu mà không có nền tảng lợi nhuận hỗ trợ thì trước sau cũng sẽ giảm mạnh.
Đơn cử như nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua tăng mạnh dù nền tảng cơ bản vẫn u ám, kết quả là nhóm này đã giảm mạnh nhất khi thị trường biến động. Có thể nói, nhà cá nhân hiện nay không có khả năng nhận biết hoặc biết nhưng vẫn chấp nhận rủi ro.
Về xu thế của thị trường, cá nhân tôi cho rằng VN-Index vẫn đang trong giai đoạn uptrend dài hạn từ 3-5 năm tiếp theo. Nhịp giảm điểm chỉ là pha rũ hàng và cơ hội sẽ thuộc về những NĐT giá trị.
Thực tế, khi thị trường tăng một mạch, nhiều nhà đầu tư chỉ ước có một nhịp giảm đủ lớn để tham gia. Nhịp chỉnh sâu đã xuất hiện, cơ hội để nhà đầu tư giải ngân cho chu kỳ mới đã đến?
Đây thật sự là một cơ hội, ngay cả với các quỹ đầu tư như chúng tôi. Chúng tôi đã mua mạnh trong phiên ngày 18/8 và sẽ tiếp tục giải ngân tới từng xu cuối cùng. Mua rẻ không bao giờ là hối hận, mua đuổi mới đem lại rủi ro. Thị trường biến động mạnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm doanh nghiệp có lợi nhuận bền vững, triển vọng dài hạn tươi sáng, định giá thấp (ví dụ P/E <10) để giải ngân và nắm giữ, qua thời điểm khó khăn nhà đầu tư có thể thu lại lợi nhuận lớn.
Trong ngắn hạn rất khó đoán định thị trường, nhưng trong ít nhất 3-5 năm tiếp theo tôi tin tưởng triển vọng thị trường sẽ tươi sáng. VN-Index hoàn toàn có thể đạt mốc 2.000 điểm trong 5 năm tiếp theo. Dù vậy, quá trình thị trường đi lên sẽ có những đoạn gập ghềnh và đó là thời điểm nhà đầu tư cần phải thận trọng và bình tĩnh. Vốn dĩ chẳng có thị trường nào tăng liên tục và giảm liên tục mà nó là chuỗi tăng giảm đan xen lẫn nhau. Dù thị trường cóbứt phá mạnh, nhưng nếu không quản trị rủi ro và tập trung tìm kiếm mã cổ phiếu tốt thì nhà đầu tư vẫn khó kiếm lợi nhuận.
Ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund
Theo ông, nhóm cổ phiếu nào sẽ bật tăng đầu tiên sau khi thị trường kết thúc nhịp chỉnh mạnh?
Thị trường luôn tồn tại tính đầu cơ cao, cá nhân tôi cho rằng nhóm giảm nhiều nhất sẽ tăng sớm và mạnh nhất, ví dụ như BĐS. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư vào cổ phiếu bất động sản vì nhóm này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Thay vào đó, tôi cho rằng mua và nắm giữ lâu dài nhóm cổphiếu giảm dưới giá trị sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn. Trong 6 tháng tiếp theo, lĩnh vực sẽ hồi phục mạnh chính là xuất khẩu khi mảng này dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng có thể trong quý 4 năm nay, khi đó nhóm cổ phiếu vốn đã giảm rất mạnh từ đầu năm sẽ trở lại đường đua với mức tăng mạnh mẽ.
Bên cạnh những người hụt lãi, chắc chắn không ít nhà đầu tư thua lỗ do đua mua khi thị trường đã phân phối suốt từ đầu tháng 8 và chịu thêm một cú sập mạnh vào phiên 18/8. Chiến lược và lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong thời điểm này?
Đối với nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao, tôi cho rằng nên mạnh tay cắt giảm margin để tránh rủi ro cháy tài khoản. Đối với nhà đầu tư nắm giữ bằng tiền mặt và cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt có thể can đảm nắm giữ qua khó khăn sẽ có lợi nhuận lớn. Đặc biệt, trong thời điểm này nhà đầu tư nên bỏ tư duy lướt sóng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đặc biệt, tâm lý là một trong những yếu điểm khiến nhà đầu tư thua lỗ. Khi thị trường tăng thì họ hưng phấn quá đà, ngược lại thị trường giảm lại bi quan quá mức. Điều này hoàn toàn trái ngược với tư duy của những nhà đầu tư giá trị, đó là tỉnh táo và điềm tĩnh mua vào tại thời điểm hoảng loạn và bán ra khi thị trường hưng phấn.
Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân chủ yếu đầu cơ theo xu hướng dòng tiền, có nghĩa thấy nhiều người “hô” một nhóm hay cổ phiếu nào đó thì lập tức đua mua mà bỏ qua yếu tố cơ bản. Sau khi nhiều người mua vào, nhóm đầu tư trước đó sẽ lập tức chốt lời. Mô hình đó như mô hình kim tự tháp theo kiểu đa cấp và thực sự không bền vững.
Muốn cổ phiếu tăng phải dựa trên nền tảng là lợi nhuận dài hạn. Nếu lợi nhuận không tăng mà giá cổ phiếu tăng mạnh thì sự sụp đổ chỉ là sớm muộn. Nếu nhà đầu tư cho rằng mình lãi vì bán sớm hay mua sớm thì đó chỉ là may mắn. Bởi bạn có thể ăn 99 lần, nhưng lần thứ 100 thất bại cũng chỉ đủ bù cho 99 lần ăn trước mà thôi.
Do đó, nhà đầu tư hãy tỉnh táo, tìm hiểu về doanh nghiệp muốn đầu tư. Hạn chế đầu tư theo phong trào vì đó chỉ là một “cái bẫy” được giăng ra nhằm khiêu khích lòng tham của chính bạn.
Cảm ơn chia sẻ của ông!
Hạ Anh
Theo Nhịp sống thị trường