Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN ) cho biết dư địa xuất khẩu đối với mảng bánh kẹo hiện còn rất nhiều và mảng kinh doanh nông nghiệp sẽ tiếp tục đi theo hướng “thuận thiên”, chủ động thích ứng với các biến động.
Kỳ vọng lợi nhuận năm nay tiếp tục lập kỷ lục mới
Ban lãnh đạo Tập đoàn PAN điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Báo cáo với cổ đông tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết, năm 2024 được đánh giá tiếp tục là một năm thử thách cho hoạt động kinh doanh khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, tín dụng có những biến động khó lường.
Do vậy, tập đoàn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay “có sự thận trọng nhất định”, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết.
Cụ thể, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 14.780 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 1.057 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 10% so với mức cao kỷ lục của năm 2023. Tập đoàn PAN cũng kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa trong nửa cuối năm có thể đem đến kết quả kinh doanh vượt trội.
Chia sẻ thêm về triển vọng kinh doanh các lĩnh vực chủ lực trong năm nay, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết, lĩnh vực nông nghiệp (mảng giống cây trồng, lương thực, thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng) dự kiến sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhưng biên lợi nhuận có thể suy giảm do giá nguyên liệu, giá thu mua đầu vào lẫn tỷ giá biến động tăng. Đồng thời, hiện tượng El Nino đang gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Vị thế của các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thuộc Tập đoàn PAN tại thị trường trong nước hiện nay. (Nguồn: Tập đoàn PAN )
Ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, đà tăng trưởng kéo dài từ cuối năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tích cực, cùng với đó là động lực tăng trưởng mới từ việc khai thác các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt bằng giá một số loại nguyên liệu chính như đường, bột mì neo cao có thể làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Đối với lĩnh vực thuỷ sản, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN nhận định triển vọng sẽ chưa khởi sắc nhanh, ít nhất trong nửa đầu năm do đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ và EU vẫn chưa hồi phục mạnh như kỳ vọng. Đồng thời, diễn biến các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ với ngành tôm cũng có thể gây tác động tiêu cực.
Cũng tại Đại hội, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn PAN đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%; đồng thời, mức cổ tức của năm 2024 dự kiến tối thiểu là 5% bằng tiền mặt nếu đạt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Qua đó, “giải cơn khát” cho cổ đông sau 3 năm liên tiếp không chia cổ tức.Kinh doanh “thuận thiên”, tự tin dư địa xuất khẩu còn rất nhiều
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn PAN trả lời cổ đông tại Đại hội.
Tại phần Thảo luận, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là kế hoạch phát triển mảng bánh kẹo của Tập đoàn PAN .
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hoàng - Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Bibica (mã cổ phiếu BBC, công ty con của Tập đoàn PAN ) cho biết “cả thế giới vẫn tiếp tục ăn bánh kẹo”. Điều này được phản ánh thông qua tỷ trọng xuất khẩu của Bibica trong năm 2023 tăng trưởng mạnh.
Lãnh đạo Bibica cũng khẳng định, với việc thị trường nội địa có hơn 100 triệu người tiêu dùng, Bibica đang có nhiều lợi thế cạnh tranh và quy mô đủ lớn để vượt qua các hàng rào chất lượng tại các thị trường xuất khẩu. Theo đó, dư địa xuất khẩu trong tương lai được đánh giá “còn rất nhiều”. Hiện Bibica sẽ tập trung khai thác thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc.
“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, sẽ phát triển các sản phẩm bánh tươi, date ngắn. Chúng tôi nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm bánh dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tốt cho cả những người tiểu đường, biến bánh kẹo không còn là sản phẩm để ăn chơi...”, ông Nguyễn Quốc Hoàng nói.
Hiện Tập đoàn PAN dự kiến doanh thu mảng bánh kẹo sẽ tăng trưởng 15% trong năm nay. Đặc biệt, mảng hạt xuất khẩu cũng tăng trưởng từ 10 - 15% khi việc bán hàng cho các đối tác truyền thống tại Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) hồi phục hoàn toàn. Đồng thời, tập đoàn sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản, vốn bắt đầu khai thác từ cách đây 2 năm.
Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn PAN .
Đối với vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh doanh, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã cổ phiếu NSC, công ty con Tập đoàn PAN ) nhấn mạnh, Tập đoàn PAN hướng đến việc kinh doanh bền vững.
“Chúng tôi nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, tìm ra những bộ giống thích ứng với xu thế biến đổi để "thuận thiên", để vượt qua những vấn đề khó khăn không phải do mình tạo ra”, bà Trần Kim Liên chia sẻ.
Với lo ngại của cổ đông về chi phí lãi vay và tính ổn định của cấu trúc tài chính, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết Tập đoàn PAN đang làm việc với các ngân hàng quốc tế nhằm tiếp cận các nguồn tín dụng rẻ và tự tin cho biết vấn đề này “sắp hái quả ngọt”.
Chia sẻ thêm với cổ đông, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN cho biết: “Cổ đông lo lắng là có cơ sở. Nhưng nếu doanh nghiệp không sống, không vay được thì doanh nghiệp nào sẽ sống. Cổ đông cần nhìn nhận đầu ra của khoản vay, hiệu quả của doanh nghiệp. Với nền tảng về kiểm soát rủi ro, tôi khẳng định tình hình tài chính của tập đoàn là rất lành mạnh”.
Chủ tịch Tập đoàn PAN cũng phân tích, nhìn lại năm 2023 khi cả nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn thì Tập đoàn PAN vẫn hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận. Đồng thời, khoảng gần 1.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn đều được tập đoàn thanh toán đúng hạn, không cần sử dụng nguồn nợ vay bên ngoài.
Với cơ cấu tài sản lành mạnh với tỷ lệ đòn bẩy an toàn, lợi thế về các sản phẩm chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, biên lợi nhuận cao, Tập đoàn PAN tự tin vượt qua các thách thức, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ các tờ trình của HĐQT Tập đoàn PAN đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.
Tập đoàn PAN được biết đến là doanh nghiệp có quy mô Top đầu (vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau hơn 30 năm, hệ sinh thái Tập đoàn PAN hiện bao gồm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thông qua hai nền tảng PAN Farm (gồm Vinaseed, PAN -HULIC, VFC) và PAN Food (gồm Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre, 584 Nha Trang, Golden Beans).
Sau khi giảm về mức thấp điểm năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn PAN đã ghi nhận mức tăng trưởng 3 năm liên tiếp lên mức kỷ lục. Cơ cấu doanh thu dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng thủy sản; cơ cấu lợi nhuận tiếp tục ghi nhận đóng góp chính của kênh nông nghiệp và tín hiệu cải thiện nhẹ từ mặt hàng thủy sản.
Duy Quang-Lan Anh