PCI giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Báo cáo Chỉ số PCI đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Quốc Tuấn
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Những tác động rõ nét
Kể từ năm 2005 đến nay, PCI được coi là một trong những sáng kiến quan trọng góp phần vào sự thay đổi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, tại thời điểm năm 2005, doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế của phần lớn địa phương. Đa số chính quyền các tỉnh, thành khi đó vẫn chưa nhìn nhận khu vực tư nhân như động lực chủ chốt của sự phát triển. Các giải pháp hỗ trợ khu vực này còn rất hạn chế và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính vẫn rất cao, đặc biệt trong những khía cạnh như gia nhập thị trường hay tiếp cận đất đai, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương còn khá mờ nhạt, hoạt động đối thoại chính quyền – doanh nghiệp chưa được coi trọng…
Chia sẻ về những tác động Báo cáo PCI thường niên mang lại, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, việc triển khai PCI và đánh giá, xếp hạng hàng năm đã từng bước tạo được sự chú ý từ các tỉnh, thành và ngày càng được đón nhận qua thời gian từ cả phía cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Tác động rõ rệt nhất có thể thấy là việc thúc đẩy thay đổi thái độ ứng xử của chính quyền các tỉnh, thành với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cho đến nay, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều định kỳ xây dựng các chương trình hành động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính quyền các địa phương giờ xem cộng đồng doanh nghiệp tư nhân như đối tác đồng hành vì mục tiêu phát triển kinh tế, chủ động thành lập những tổ công tác chuyên trách nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Buổi Lễ công bố Báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023 dự kiến diễn ra vào 9h00 – 11h00, Thứ Năm, ngày 09/5/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là năm thứ 19 liên tiếp VCCI công bố bộ Chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Và là năm thứ 2 liên tiếp công bố bộ Chỉ số Xanh cấp tỉnh.
Chưa kể, kết quả PCI còn được Chính phủ và các bộ, ngành tham khảo để phục vụ việc xây dựng các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ví dụ như: loạt Nghị quyết 19/NQ-CP (giai đoạn 2014-2018) hay loạt Nghị quyết 02/NQ-CP (từ 2019-nay).
“Những đóng góp của PCI trong những năm qua đã tạo ra một bức tranh môi trường kinh doanh với nhiều gam màu lạc quan. Chính quyền các địa phương ngày càng năng động, tiên phong và có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp, tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân được coi trọng và hầu như không còn tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hoạt động đối thoại chính quyền – doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giảm rõ rệt... trong những năm gần đây”, ông Tuấn bày tỏ.
Tiếp tục hành trình 2023
Báo cáo Chỉ số PCI và Chỉ số PGI 2023 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ khảo sát Môi trường kinh doanh 2023 trên hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Chỉ số PCI năm 2023 sẽ công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành phố, đánh giá đa chiều các chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam trên các lĩnh vực chủ yếu như mức độ thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chất lượng thực thi quy định tại các địa phương. Báo cáo cũng phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều khía cạnh như thủ tục đầu tư, thuế, BHXH, đất đai, xuất nhập khẩu, chất lượng lao động...
Cũng trong báo cáo này, sau lần đầu tiên được giới thiệu tại Báo cáo PCI 2022, Chỉ số PGI 2023 tiếp tục đánh giá và xếp hạng các địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh theo các yếu tố như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp tại địa phương, mức độ quan tâm, ứng phó với các vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Báo cáo Chỉ số PCI và Chỉ số PGI nằm trong khuôn khổ dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh. Đây là dự án tiếp nối dự án PCI, do VCCI khởi xướng với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Sáng kiến nhằm cổ vũ các địa phương tại Việt Nam quan tâm hơn tới việc tạo lập môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn thân thiện với môi trường, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng hơn đến chuyển đổi xanh và thu hút nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.
https://diendandoanhnghiep.vn/pci-bieu-tuong-cua-nhung-chuyen-bien-lon-262954.html