Trước đó năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 32 triệu tấn than, tương đương gần 7,2 tỷ USD, giảm 12% về lượng nhưng tăng 60% về giá trị so với năm 2021. Giá than nhập khẩu trung bình trong năm 2022 khoảng 218 USD/tấn. Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đang phải điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu than cho phù hợp với nhu cầu vận hành thực tế của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Trong cả năm 2022, chiến sự giữa Nga – Ukraine khiến giá than nhập khẩu tăng rất cao (chỉ số giá than Newc thường xuyên duy trì ở mức xấp xỉ 400 USD/tấn) dẫn đến nhà máy Vĩnh Tân 4 được huy động rất thấp, tương ứng với khối lượng than nhập khẩu thấp hơn so với kế hoạch.
Nói về tình hình ngành than tại triển lãm Minning 2022, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết việc khai thác, sản xuất than của tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu, cung độ vận tải lớn và thời tiết diễn biến thất thường. "Chi phí khai thác than ngày càng tăng khi giá than Vinacomin cung cấp cho nhiệt điện vẫn chưa tăng đồng nào. Trong khi đó, than cung cấp cho nhiệt điện chiếm tới 80% tổng lượng than khai thác. Để đảm bảo an sinh xã hội và nhiệm vụ nhà nước giao, chúng tôi đang chịu phần thiệt khi giá bán than chưa tương xứng với giá thành sản xuất”, ông Cơ nói. Trước đó hồi tháng 3, TKV từng đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho sản xuất điện, theo báo Chính phủ. Doanh nghiệp này đưa ra cơ sở cho việc tăng giá than là giá thành khai thác than ngày càng tăng do các mỏ than sâu, điều kiện địa chất phức tạp, khác so với tài liệu thiết kế ban đầu, mức độ rủi ro cao… trong khi việc nhập khẩu cũng khó khăn sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.