Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện 145 vụ vi phạm tại cửa hàng vàng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 6,8 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỉ đồng.
Lực lượng QLTT kiểm tra một tiệm vàng ở Hà Nội
Điển hình như Cục QLTT tỉnh Tiền Giang kiểm tra, phát hiện 5 vụ vi phạm, đã xử lý 1 vụ (4 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý), tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,8 tỉ đồng. Trong đó, Tiệm vàng Kim Hương Dinh tại TP.Long Xuyên có nhiều sản phẩm vàng, vàng trắng đang được bày bán có dấu hiệu vi phạm.
Theo Tổng cục QLTT, một trong những vi phạm được phát hiện nhiều nhất trong thời gian qua là các cửa hàng vàng bán trang sức có dấu hiệu giả mạo nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Các vi phạm giả mạo nhãn hiệu đối với mặt hàng trang sức phổ biến được phát hiện thời gian qua là chạm trổ lên trang sức các nhãn hiệu đang được bảo hộ, chế tác các bộ phận của trang sức chứa nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Theo đó, khắc nhãn hiệu Louis Vuitton, Hermès, Chanel, Dior... lên sản phẩm hoặc chế tác mặt dây chuyền, mặt nhẫn, khuyên đeo tai có kiểu dáng thể hiện trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Tổng cục QLTT cũng nêu rõ, vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (xâm phạm quyền nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200 triệu đồng trở lên hoặc trị giá hàng hóa vi phạm từ 200 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điều 226 bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo Minh Chiến
Người lao động