Theo Phó Chủ tịch Hanoisme, hiện mức vay tín chấp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngành nghề ưu tiên đang chỉ chiếm 10-15% là rất thấp và phải nâng lên 30% mới đảm bảo nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp.
Chiều 15/5, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 29 năm ngày thành lập và Họp báo công bố Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết trong quý I năm 2024, GRDP của TP Hà Nội tăng 5,5%, các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ.
Trong đó, dịch vụ tăng 5,84%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,77% (cùng kỳ tăng 2,39%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; thuế sản phẩm tăng 4,94%.
Đại diện Sở Công thương TP Hà Nội đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thành phố qua các thời kỳ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội chiếm từ 80% đến nay lên 98,2 % tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động. Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp từ đóng góp 25% GDP nay đã chiếm trên 40% GDP, chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu của TP Hà Nội.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hanoisme cho biết năm 2023 là một năm rất khó khăn. Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh cũng giống như kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn lớn nhất là các vấn đề liên quan tới vốn.
“Hiện cho vay tín chấp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngành nghề ưu tiên đang chỉ chiếm 10-15% nhưng theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức cho vay tín chấp cho doanh nghiệp phải nâng lên 30% mới là phù hợp”, Phó Chủ tịch Hanoisme nói.
Cần tiếp tục hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đánh giá về những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, vị này cho biết trong nửa đầu năm, doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi rất lớn từ những chính sách hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp điển hình như việc giảm thuế VAT 2%.
“Những chính sách này, doanh nghiệp không cần làm hồ sơ, thủ tục hay chứng minh để được hưởng chính sách nên mức độ hiệu quả cao, khả năng hấp thụ doanh nghiệp không bị cản trở”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cách đây khoảng một năm, doanh nghiệp phải vay lãi suất 11-13% nhưng đến nay chỉ phải vay với mức 8-9%. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Tuy nhiên, bối cảnh thị trường thế giới và trong nước đều rất khó khăn. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hanoisme đề xuất chính sách này cần tiếp tục được kéo dài đến cuối năm. Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Quốc Anh cũng lưu ý, dù có sự hỗ trợ từ Chính phủ song các doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, tìm thị trường mới, chủ động thích ứng mới có thể bám trụ, tìm được những thị trường, sản phẩm phù hợp.
Hiện Sở KH&ĐT TP Hà Nội đang có đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy nhiên bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thuế, phí ông Mạc Quốc Anh cho rằng cần đẩy mạnh công tác đào tạo lao động, phối hợp với nguồn nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tăng cường hoạt động đối thoại chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội chỉ xếp thứ 28 trong khi các năm trước xếp thứ 10 cả nước cho thấy hoạt động cải cách thủ tục hành chính còn chưa hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh.