Phó Thống đốc NHNN: Ngày xưa ăn trộm 1 bao tiền rất khó, bây giờ chỉ cần xâm nhập được thì 1 nút enter là mất tiền, mất nhiều bao tiền

Theo vị lãnh đạo NHNN, đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó phổ biến 3 hình thức chính thường gặp nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng.

Ngày 13/5, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”.

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, ông Phạm Tiến Dũng đã có phát biểu liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, trên thực tế, đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có ba hình thức chính thường gặp nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng.

Một thủ đoạn thường thấy của các đối tượng lừa đảo là thao túng tâm lý để người dùng tự nguyện chuyển tiền đến các tài khoản khác do tội phạm chỉ định. Bên cạnh đó, các đối tượng có thể chiếm dụng máy của người sử dụng và tiếp tục các thao tác gửi tiền đi. Hoặc đối tượng lừa đảo sẽ lấy thông tin trên thiết bị của người dùng chuyển sang thiết bị khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Ngoài ra, Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó có 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Trước tình hình như vậy, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, phòng ngừa hành vi lừa đảo qua mạng luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển của ngành, và tính chất số liệu quan trọng, ngành Ngân hàng luôn coi an ninh, an toàn, bảo mật là điều kiện trọng yếu, coi an ninh bảo mật là điều kiện trọng yếu, phòng ngừa rủi ro mất tài sản cho khách hàng. Mặc dù vậy, đây cũng trở thành một khó khăn khi ngành Ngân hàng có đặc thù nghiệp vụ khác biệt với khối lượng và quy mô giao dịch lớn.

Thống kê số liệu trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, hiện nay, trên 95% số lượng giao dịch thanh toán được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy. Theo đó, tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 830.000 tỷ đồng/ngày.

Ông Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Ông Dũng chia sẻ thêm: “Ngày xưa ăn trộm 1 bao tiền rất khó, còn bây giờ chỉ cần xâm nhập được thì 1 nút enter là chúng ta mất tiền, một hoặc nhiều bao tiền”.

Đặc biệt với khối lượng và quy mô giao dịch lớn, khác so với những ngành kinh tế khác, thì ngành ngân hàng mất dữ liệu, mất thông tin là mất tiền. Nếu để mất thông tin trên mobile thì người dân mất tiền ngay lập tức.

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, vừa qua NHNN đã phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan, thống nhất đưa ra những giải pháp đối với vấn đề lừa đảo trên không gian mạng. Tháng 4/2023, NHNN cùng với Bộ Công an ký một kế hoạch với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn kết nối cơ sở dữ liệu dân cư trong triển khai hệ thống dịch vụ ngân hàng.

Trước đó, ngày 28/2, NHNN và Bộ Công an phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ngành Ngân hàng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tổng hợp kho thông tin về những tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, từ đó cảnh báo để các tổ chức tín dụng tăng cường xác thực khi các tài khoản này thực hiện hoạt động giao dịch.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học. Đây là một quy định cần thiết và cấp bách để đảm bảo chủ tài khoản và thực hiện giao dịch không bị giả mạo giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến.

Chi Hạ

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pho-thong-doc-nhnn-ngay-xua-an-trom-1-bao-tien-rat-kho-bay-gio-chi-can-xam-nhap-duoc-thi-1-nut-enter-la-mat-tien-mat-nhieu-bao-tien-234717.html