Phụ tải tăng - thách thức lớn của ngành điện

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024 dư luận chứng kiến những hóa đơn tiền được “khoe” trên mạng xã hội kèm theo những cảm thán khác nhau: “Chỉ số đồng hồ đo điện “nhảy” còn nhanh hơn giá vàng; Ôi ngất với tiền điện; Không thể nào hiểu nổi…”. Nắng nóng trên diện rộng ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam là “thủ phạm” đẩy mức tiêu thụ điện của khách hàng tăng đột biến.

Tăng phụ tải đều trên cả nước

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), nền nhiệt trung bình trên 35 - 40 độ C vào buổi trưa khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tại hộ gia đình tăng cao. Tháng 4, sản lượng tiêu thụ của toàn Thành phố đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng 12,4% so với tháng 3. Đặc biệt, trong các ngày 24, 25 và 26/4, lượng điện tiêu thụ vượt 100 triệu kWh, tăng đột biến.

Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ là 8,019 tỷ kWh, tăng 13,41% so với cùng kỳ 2023, điện tiêu thụ tăng chủ yếu ở thành phần tiêu dùng, dân cư (tăng 19,3%) và công nghiệp, xây dựng (tăng 12,28%).

Ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, theo ghi nhận của Tổng công ty Điện lực miền Trung, chỉ tính riêng dịp lễ 30/4, 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5/2024), công suất phụ tải cực đại đạt 3.992 MW (lúc 18h30 ngày 27/4/2024), tăng 24,1% so với ngày 27/4/2023 (3.218 MW); sản lượng ngày đạt 86 triệu kWh (ngày 27/4/2024), tăng 26,3% so với ngày 27/4/2023 (68,1 triệu kWh).

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), riêng ngày 27/4/2024, công suất cực đại hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%, công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc tăng 19,9%. Dự tính, cả năm 2024, phụ tải nhu cầu tiêu thụ điện khu vực miền Bắc có thể đạt khoảng 17.200 - 18.000 MW, tăng 8,7 - 13,7% so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc không có nguồn điện lớn nào được bổ sung, ngoài 152,8 MW thủy điện nhỏ được hoàn thiện trong quý I và II tới. Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC cho biết, giai đoạn 2024 - 2025, công tác cấp điện cho miền Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn điện được bổ sung nội miền không đáng kể. Trong khi đó, phụ tải dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tiêu thụ điện trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay tăng rất cao so với dịp này hàng năm. Trung bình ngày trong cả kỳ nghỉ lễ, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia ở mức khoảng 40.459 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860,5 triệu kWh/ngày. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ năm nay tăng tới 37,2%, đồng thời công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30,6%. “Nắng nóng sẽ còn diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt được dự báo kéo dài so với trung bình hàng năm. Tiêu thụ điện của toàn quốc sẽ tăng mạnh, gây nhiều áp lực đối với việc vận hành và cung cấp điện trong giai đoạn cuối mùa khô”, đại diện EVN cho biết.

Mỗi năm cần thêm một “Thủy điện Sơn La” mới đáp ứng phụ tải

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ và Bộ Công Thương đã sớm dự báo tình hình, đề ra các kịch bản, giải pháp tính toán kỹ lưỡng nhu cầu và năng lực cung ứng điện. Trong đó, Bộ Công Thương ban hành Quy định 3110 về Kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 theo dự báo nhu cầu sử dụng điện của toàn nền kinh tế tăng khoảng 9,6%. “Các tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện miền Bắc tăng trung bình 11%. Đối với các tháng 5, 6, 7 thì tốc độ tăng lượng điện sử dụng có thể lên đến 13%. Để dễ hình dung, thì nhu cầu sử dụng của riêng miền Bắc khoảng 25.000 MW. Mà 10%/năm là khoảng 2.500 MW, tương đương mỗi năm Việt Nam cần thêm một nhà máy có công suất tương đương Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) mới đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải và nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc”, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết thêm.

Trước những thách thức trên, nhiều giải pháp đang được ngành điện triển khai. Trước hết là huy động linh hoạt các nguồn phát để bảo đảm cung ứng điện. Trong đó, đối với thủy điện, đã có chiến lược tích nước, để giành nước trong các hồ thủy điện để dùng cho những lúc cần thiết khi thời tiết nắng nóng nhất trong tháng 5, 6, 7. Hiện các hồ thủy điện đang chứa khoảng 11 tỷ kWh. Đồng thời, EVN đã làm việc với các địa phương và cơ quan liên quan để tiết kiệm tối đa nước ở vùng hạ du, hài hòa giữa việc sử dụng nước dưới hạ du và bảo đảm nước cho phát điện. Ngoài ra, EVN đã đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành thông qua việc ký hợp đồng với bên cung cấp khí để chạy LNG phát điện tại nhà máy khu vực Đông Nam Bộ. Đây là lần đầu tiên ngành điện triển khai phương án chạy LNG để phát điện...

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến có nhiều nội dung mới. Trong đó, về lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện sẽ cụ thể hóa các đối tượng, trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu và không qua đấu thầu. Dự thảo cũng đề xuất xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ nhằm quy định chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án đầu tư xây dựng công trình điện; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, Trung ương để quản lý tiến độ các dự án điện;…

Song song khai thác tối đa công suất từ các nhà máy, nguồn phát, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tích cực triển khai đầu tư các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII theo danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.

Đối với công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030, Quy hoạch đặt mục tiêu thu hút đầu tư tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW. Trong kế hoạch đến năm 2030, EVN cũng dự kiến nhập khẩu điện khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện từ Lào.

Hà Minh - LINK GỐC

https://baodauthau.vn/phu-tai-tang-thach-thuc-lon-cua-nganh-dien-post155110.html