Phút cuối một đời người

Sách “Ba - món quà vô giá của con”
Tác giả Ngô Thị Thu An.
( trích từ trang 155-171 nhé)

ảnh : sách và chữ viết tay - ghi lại hai đoạn ghi âm của ba và má lúc ở trong B/v 115.

Nay nhà làm giỗ ông. Ba vợ NaK tui.
Anh em tụ bạ đủ đầy. Có cả anh Ba Thái, về từ nước Mỹ … NaK tui vẫn giữ thói quen làm/ngồi máy tính hàng ngày; nay thì đọc lại sách bà xã Thu An viết về ba mình. Chương sách trích dưới đây là liked nhất, viết về “phút cuối” của ông ba vợ …
Thứ bảy, TT nghỉ nên NaK ( chọn) chia sẻ với người đọc mình. Đoạn trích có hơi dài đó …

Mười hai giờ, ông trút hơi thở cuối cùng. Ai kịp thì đọc … đây, ai có sách thì xin dành 5-10 phút đọc lại chương sách này để cảm nhận về tình yêu thương của một người con với ba mình, với gia đình. Và còn có đằng sau đấy, nghĩa vụ và trách nhiệm với cuộc sống chung …

TRÁI TIM BA ÔM TRỌN NHỮNG ĐỨA CON

Gần năm giờ sáng, tôi vừa chợp mắt được một lúc, thì nghe có tiếng nói chuyện dưới nhà ba tôi. Tiếng anh ba tôi, tiếng cô út tôi, cả tiếng ba tôi nữa, tiếng ba rõ và lớn. Tôi ngồi bật dậy, còn tưởng là mình đang nằm mơ. Ba đã bị đớ lưỡi, không nói chuyện được hai ngày rồi mà? Nhưng không, vẫn là tiếng ba rõ ràng. Ba đang nói chuyện thời sự với anh ba tôi. Tôi tót xuống giường, chạy qua nhà ba.

Ba tỉnh táo, đang nằm trên giường, anh ba tôi ngồi cạnh trò chuyện với ba. Tôi mừng quá hỏi “Ba nói chuyện được rồi hả?”. Ba nhìn tôi cười, chắc ý nói không thấy ba đang nói chuyện hay sao còn hỏi.

Cô Út khều tôi lại nói:

  • Khuya, tự nhiên ba con tỉnh dậy “mạnh như thần”, ổng kêu cô cho uống nước, rồi đòi uống cà phê sữa.

Tôi cắt ngang:

  • Trời, cô cho uống coi chừng ba con sặc nghe, hai ngày rồi ba con không có nuốt được.

  • Sặc cái gì - cô út cắt lại lời tôi - ổng quất hết trơn ly cà phê rồi.

Tôi vẫn chưa chịu tin, quay qua ba:

  • Thiệt hả ba?.

Ba không chỉ gật mà còn nói “ờ” thiệt rõ. Rồi ba nói thêm:

  • Kiếm gì cho ba ăn sáng, ba đói.

Tôi mừng quá, líu quíu chạy xuống bếp.

Mọi người trong nhà cũng lần lượt dậy, vây quanh ba. Má tôi nói “mừng quá, ba mầy khoẻ lại rồi. Cầu trời cho ổng sống một thời gian nữa”.

Tôi đi làm cháo cho ba, lòng mừng khấp khởi. Còn tự khen mình xin nghỉ phép đúng lúc. Tôi có bảy ngày rảnh rang trước mắt để ở nhà với ba.

Tôi xay nhuyễn cháo, rau, thịt thành một thứ nước súp loãng như mọi khi, mang lên. Tôi ngồi cạnh giường lấy cái muỗng nhỏ xíu múc một chút đút ba. Ba húp rồi hỏi:

  • Con cho ba ăn gì vậy?

Tôi nói:

  • Cháo đó ba.

Ba bĩu môi:

  • Cái này mà cháo gì? Cái này là nước chứ không phải cháo. Ba muốn ăn cháo, có hột cháo đàng hoàng.

Cô út nói:

  • Con múc cháo cho ba ăn đi, đừng có xay ra. Lấy cái muống bự luôn. Ổng nuốt được mà.

Tôi đi lấy cháo. Và đúng là ba ăn hết chén cháo. Tôi nghĩ bụng ba ăn được thì sống được rồi. Tôi mừng quá đi nấu thêm nồi cháo để khi nào ba đói thì có ăn tiếp. Ba nói với theo:

  • Nay cho ba ăn cơm nghe. Bao nhiêu ngày rồi ba không được ăn cơm. Ba đói cơm.

Tôi còn lì:

  • Thôi, ba ăn cháo thêm ít bữa đi, hổm rày bụng trống, từ từ rồi ăn cơm, ba.

Ba có vẻ không chịu nhưng không nói gì thêm.

Sáng đó, dịch màng phổi ba ra nhiều, đầy một bọc, nước tiểu cũng ra nhiều. Nhưng dọn xong, không thấy dịch tiết ra nữa, người ba sạch sẽ, khô ráo. Một lúc sau ba nói muốn đi tiêu. Tôi với chị hai lót giấy trên giường cho ba đi, xong lau chùi cho ba. Ba lại ngại ngùng nói “Đáng lẽ không để con gái làm mấy chuyện này. Bệnh nên phải chịu chứ không phải vậy”. Tôi nói “Con cái mà, sao ba cứ ngại hoài”.

Chị hai biểu sẵn lau mình thay đồ cho ba luôn. Mấy đứa em trai phụ xoay trở ba trên giường. Tôi với chị hai lấy nước ấm tỉ mỉ lau người cho ba, thay cho ba bộ quần áo mới, ba nói mát quá. Ba còn giỡn, nói nằm lâu ê người, đứa nào mát- xa cho ba, ba cho tiền. Vừa nói ba vừa móc tờ tiền anh ba cho ba hôm qua lên khoe “Hôm nay ba có tiền, con ba cho”. Thằng em tôi vừa bóp chân cho ba, vừa ghẹo ba “Con làm xong ba cho tiền con nghe”. Ba chọc lại nó “M.ày làm chưa ngon, ngon nữa mới có tiền”.

Ba khoẻ lại, mấy anh em tôi rất vui nên khiêng cái bàn ra trước sân tụ tập ăn sáng. Ăn gần xong thì ba gọi “Có đứa nào, vô ba nhờ”. Tôi với ông anh và thằng em chạy vô. Ba kêu đỡ ba dậy cho ba ngồi, rồi nói “Đứa nào chịu khó đưa lưng cho ba dựa chút, nằm lâu mỏi quá”. Anh ba tôi với Thuận, đứa em kế tôi, đỡ ba dậy. Tôi ngồi xuống giường ghé lưng vào, chống hai chân, đâu lưng lại với ba cho ba dựa lưng. Tôi dặn ba cứ dựa thoải mái, đừng gượng, tôi chịu được. Thật ra, ba cũng đâu gượng nổi, ba đâu còn mấy hơi sức. Tấm lưng gầy gò, thiếu hơi ấm, thiếu sức lực của ba cứ ráng dựa vào tôi. Nhưng chỉ được vài phút ngắn ngủi, ba nói “Thôi ba mệt rồi, cho ba nằm”. Anh và em tôi lại đỡ ba nằm xuống, hết sức gượng nhẹ để không làm ba đau.

Nằm được một chút, ba ngoắc tôi với Thuận lại, chỉ tay lên chiếc đồng hồ treo tường, nói:

  • Hai đứa canh cho ba nghe, mười hai giờ.

Tôi không hiểu, hỏi lại:

  • Ba nói mười hai giờ gì?

Ba nói:

  • Canh đúng mười hai giờ, ba đi.

Tưởng ba lại nói giỡn, tôi cười:

  • Mười hai giờ gì. Ba khỏe rồi. Ráng dưỡng bệnh ăn tết.

Ba nghiêm mặt:

  • Không có giỡn, 2 đứa canh cho ba đó. Đúng mười hai giờ.

Tôi và thằng em thấy ba nghiêm mặt thì cùng dạ.

Rồi ba dặn: “Đám tang ba không được làm ồn ào, không được thuê kèn trống om sòm. Thỉnh thầy đọc kinh thì nói thầy đừng dùng micro, đọc nhỏ đủ ba nghe thôi, người chung quanh không cần nghe, đừng làm kinh động, phiền hà lối xóm, người ta còn phải nghỉ ngơi. Đừng đốt giấy tiền vàng bạc, ô nhiễm môi trường, không ích lợi gì. Đừng rải giấy tiền vàng bạc dọc đường, dơ đường xá, tội nghiệp công nhân vệ sinh người ta quét dọn. Thân xác ba thì thiêu đi, rồi rải đâu cũng được. Ba nghe má với tụi con muốn gởi ba vô chùa. Ba không muốn, nhưng má với tụi con muốn thì cứ gởi vô. Sống mới quan trọng, chớ chết là hết”. Tụi tôi hứa sẽ làm theo lời ba.

Thấy ba hơi mệt, tôi với đứa em để yên cho ba nằm, rút ra ngoài sân ngồi. Được một lúc, tôi nghe ba kêu lớn:

  • Đứa nào đóng cổng lại con, sao mà đông quá vậy. Tụi con đóng cổng lại đừng cho họ vào.

Tôi nhìn ra cổng, ngoài cổng không có ai, cửa vẫn đóng. Tôi chạy vào nói:

  • Ngoài cổng đâu có ai ba?

Ba nạt:

  • Đừng có cãi! Kêu đứa nào đứng canh ngoài cổng cho ba, đông quá.

Thấy ba căng thẳng, tôi kêu đứa em ra đứng canh cổng.

Ba nói:

  • Cửa ra nhà sau nữa, năm sáu người lận, sao mà đông quá vậy?

Cửa ra nhà sau cũng không có ai, nhưng tôi vẫn kêu thêm đứa em đứng canh cửa sau.

Tôi nói:

  • Mấy đứa đứng canh cửa hết rồi ba.

Khi đó ba mới chịu yên.

Khoảng gần mười giờ thì bác sĩ và điều dưỡng tới. Bác sĩ nói em điều dưỡng thay dịch truyền cho ba. Ba nói “Thôi đừng truyền nữa, không có vô đâu”. Chai dịch truyền mới đã cắm vào, nhưng nước không chịu nhỏ xuống thật. Bác sĩ nói chắc chỗ ven ghim kim truyền bị tắc, kiếm ven khác. Nhưng em điều dưỡng ghim hết chỗ này đến chỗ kia mà không sao lấy ven được. Ba hơi bực bội nói “Tui đã nói rồi mà không chịu nghe. Không có ghim được đâu. Ghim được thì cũng không vô nước được đâu. Nó không có vô nữa đâu”. Bác sĩ cùng em điều dưỡng kiên trì tìm ven một lúc nữa thì lắc đầu chịu thua.

Lúc đó, tôi đang ngồi trên giường, cạnh ba, tôi thấy ba bỗng trở mệt, bắt đầu lấy hơi lên. Tôi hỏi bác sĩ “Mới thấy ông khỏe đó mà bác sĩ?”. Bác sĩ trả lời tôi “Vậy đó chị”. Tôi hiểu ý nghĩa câu trả lời này nên bắt đầu mất bình tĩnh, một tay tôi nắm tay ba, một tay vuốt vuốt ngực ba.

Được một lúc, ba kêu tên từng đứa:

  • Vân đâu? Thái đâu?

Chị hai và anh ba tôi cùng nói:

  • Con nè ba.

  • An đâu?

  • Dạ, con nè - Tôi lên tiếng. Rồi không chịu nổi, tôi sụt sịt khóc, thằng con ngồi kế bên tôi nhắc “Mẹ đừng khóc, để yên tĩnh cho ông”. Tôi ráng kềm lại.

Ba hỏi tiếp:

  • Thuận đâu?

Thằng em kế tôi lên tiếng:

  • Con, Thuận nè ba.

Ba nhìn nó “Ờ”. Rồi ba đảo mắt chung quanh:

  • Thảo đâu? Thảo đâu?

Có tiếng trả lời:

  • Nó đi làm, chưa về kịp. Con điện thoại cho nó rồi, nó đang chạy về.

Ba lại hỏi tiếp:

  • Vủ đâu?

Thằng em út tôi, nãy giờ vẫn xớ rớ quanh ba, nói:

  • Con, Vủ nè ba.

Mọi người dìu má tôi lại gần ba, má cứ luôn miệng nói “Trời ơi, sao mới thấy khoẻ đó mà, Trời ơi”. Ngồi xuống cạnh ba, nắm lấy tay ba, má nói “Em nè anh”. Ba nhìn má, má khóc. Rồi như không chịu nổi cảnh đó, má lảo đảo đứng dậy nhờ mọi người dìu má vô phòng.

Lúc này ba lại hỏi:

-Ba có mấy đứa con?

Chị hai, ngồi cạnh ba, xoè tay ra đếm rồi trả lời:

  • Sáu, ba có sáu đứa con.

Ba không chịu:

  • Mấy? Kể cho ba nghe thử.

Tưởng ba không nhớ, chị hai lại xoè tay ra kể:

  • Sáu đứa: Vân nè, Thái nè, An, Thuận, Thảo, Vủ.

Ba hỏi lại liền:

  • Vậy thằng Bình đâu? Còn thằng Bình nữa, sao không kể (Bình là anh tư tôi đã mất).

Lúc đó chị hai mới sực nhớ:

  • Bảy đứa. Vân, Thái, Bình, An, Thuận, Thảo, Vủ.

Ba gật đầu.

Ba tôi đó, trước lúc từ giã cõi đời, trái tim sắp ngừng đập của ba vẫn chứa đủ những đứa con. Ba nhớ tên từng đứa, không sót một đứa nào.

Lúc đó, Thảo về tới, nó ào vào kêu “Ba, con, Thảo nè ba” rồi nó oà khóc. Ba rất thương con cháu, nên mấy đứa cháu nội, ngoại của ba đang đi làm cũng được nhắn về.

Ba mệt rồi, tôi thấy ba nhắm mắt, thở dốc từng hơi. Bác sĩ chuẩn bị dụng cụ bóp bóng giúp thở cho ba. Được 3 hơi thì ba bóp tay tôi, nói: “Đừng làm gì nữa, ba đau”.

Tôi hỏi bác sĩ:

  • Bóp bóng làm ông bị đau hả bác sĩ?.

Bác sĩ gật đầu:

  • Dạ. Đau đó chị.

Tôi lại hỏi:

  • Bóp bóng như vậy thì có giải quyết được vấn đề gì không?.

Bác sĩ nói:

  • Ông còn chờ ai không? Nếu ông còn chờ người thân, hay nhà có muốn xem giờ, thì mình bóp bóng, để kéo dài cho ông chờ thôi.

Nghe bác sĩ nói, mọi người hơi rối, lao xao hỏi nhau. Cô út tôi bàn “Qua 1 giờ trưa mới là giờ tốt đó con”. Ba vẫn đang bóp bóp tay tôi, kêu đau. Tôi nhìn ba, quyết định thật nhanh trong đầu.

Tôi bước xuống, hội ý với má và các anh chị. Tôi nói “Đừng làm ba đau nữa, tội nghiệp ba. Hãy để ba bình yên. Khi nào ba muốn đi thì ba đi”. Mọi người đồng ý.

Tôi nói với bác sĩ:

  • Bác ơi, để thuận theo tự nhiên đi. Thuận theo tự nhiên là thuận theo ông đó. Đừng làm gì cho ông đau nữa.

Bác sĩ nói:

  • Vậy em không bóp bóng nữa - Rồi bác sĩ nói với tôi - Chị nhìn máy đo SPo2 và nhịp tim ở ngón tay bác. Chị nhìn số này giảm xuống còn hai mươi là bác sẽ chìm vào hôn mê và dần sẽ đi.

Tôi ngồi cạnh ba, một tay nắm tay ba, một tay để lên ngực ba vuốt nhè nhẹ, thỉnh thoảng liếc nhìn xuống cái máy đo SPo2 ở ngón tay ba. Thấy ba bồn chồn, tôi dỗ “Ba mệt rồi, ba hãy nhắm mắt lại ngủ đi cho khoẻ nghe ba”. Ba gật đầu, nhắm mắt, một giọt nước mắt từ khóe mắt ba rịn ra, lăn dài xuống.

Tôi tiếp tục nói như ru ba “Ba à, ba hãy ngủ đi cho khỏe. Con cái ba đã lớn hết rồi, đứa nào cũng giỏi, đứa nào cũng ngoan, ba không có gì để lo nữa đúng không ba? Ba hãy ngủ đi. Ngủ đi là ba sẽ hết mệt, ngủ đi là ba sẽ hết đau, ba sẽ hết bệnh, ba sẽ luôn được bình yên…”. Ba lại gật đầu. Rồi ba nắm tay tôi, ba nhắm mắt, thở thật đều, gương mặt ba giãn ra, nhẹ nhàng, thanh thản, như một đứa trẻ đang đi vào giấc ngủ bình yên.

Vào thời khắc đó, tất cả con cháu đều vây quanh ba, lặng yên chứng kiến giây phút trọng đại cuối cùng trên cõi đời của ba. Tôi ngồi một bên, chị hai ngồi một bên. Hai đứa con gái của ba, mỗi đứa đều đặt một tay lên ngực ba, tay kia nắm lấy tay ba.

Bỗng tôi sực nhớ lúc sáng ba có dặn canh giờ cho ba, canh mười hai giờ, mà do rối rắm trong giờ phút ba hấp hối, tôi và thằng em đã quên bẵng. Tôi kêu lên “Đứa nào canh giờ cho ba”. Ba tôi vốn rất đúng giờ giấc, nên tôi dặn thêm “Canh tới phút cho ba luôn nghe”. Thuận nói “Để em canh”.

Tôi nhìn xuống máy đo SpO2. Con số đã xuống đến hai mươi. Tôi không nhìn máy nữa, mà chỉ tập trung nhìn vào gương mặt ba, lắng nghe hơi thở của ba, tay vẫn nhè nhẹ vuốt ngực ba, nói như ru cho ba ngủ.

Rồi hai bàn tay của tôi và chị hai cùng cảm nhận một tiếng bịch, tiếng tim đập cuối cùng rồi ngưng hẳn của ba. Chị hai kêu lên “Tim ba ngưng đập rồi, ba đi rồi”. Tôi kêu, đứa nào coi giờ. Em tôi nói “Mười hai giờ kém một phút”. Bỗng tôi nghe ba tiếp tục thở. Chị hai cũng kêu lên “Ba còn thở nè em ơi”. Ba thở tiếp đúng ba hơi. Hơi thở ra sau cùng kéo dài, nhẹ dần, rồi tắt hẳn. Tôi biểu coi giờ lại. Em tôi nói “Đúng mười hai giờ”.

Vậy là ba tôi đã biết trước giờ ra đi. Ba đã trút hơi thở cuối cùng thật bình yên. Ba nằm ngay ngắn, gương mặt an lành, mắt nhắm như đang ngủ say. Ba đang thanh thản đi về cõi vĩnh hằng.

Nhìn tất cả con cháu vây quanh ba lúc đó, tôi chợt phát hiện mình đã quên gọi cho con gái. Tôi nói “Trời ơi , quên gọi cho Anh Thư rồi, tội nghiệp nó”. Em tôi nói “Em nhớ ra, gọi cho nó rồi, nó đang chạy về, nhưng gọi trễ quá nó về không kịp”.

Con gái tôi về tới khi ông đã mất. Nó không kịp nhìn ông, nói với ông lần cuối. Nhìn nó thút thít khóc, tôi thấy có lỗi với con. Con người ta, lúc nào cũng có sơ suất, không chuyện này thì chuyện khác.

Tôi cũng không còn kịp dùng một ngày trọn vẹn nào trong bảy ngày phép đã xin nghỉ để săn sóc ba, kề cận ba. Tối đó, trong niềm đau không gì bù đắp nổi, tôi mở điện thoại, vào mục ghi chú, tôi gõ “Ba à”. Tôi tâm sự với ba:

“Ba à, có lẽ cuộc đời, công việc cứ cuốn mãi con đi, đến độ tưởng như không lúc nào có thể dừng lại, có thể nhớ mình là ai. Cho đến một ngày…

Có lẽ con cứ để mình bị cuốn hút, lăn trôi trong một mớ hỗn độn, không lối thoát, đến nỗi tưởng mình không có cả thời gian để có thể vòng tay ôm chặt, vỗ về, an ủi ba những khi ba buồn nản, thất chí, ốm đau…trong một cảm nhận sâu đằm, tĩnh lặng của kiếp người. Cho đến một ngày…

Có lẽ, vẫn rất nhiều cái có lẽ khác hằng ngày, hằng giờ cuộn xoáy con trong vô vàn lý do bận rộn để thấy mình luôn không đủ thời gian tĩnh tâm ngồi trò chuyện cùng ba, nắm lấy bàn tay ba, cạ mũi hít lên cái gò má ngày càng nhăn nheo của ba trong một cảm nhận vô biên về tình phụ tử. Cho đến một ngày…

Đó là ngày con xin nghỉ phép sau ca trực cả ngày và tối hôm trước. Con thảnh thơi ngồi nắm lấy tay ba, cảm nhận từng hơi thở của ba, vuốt ve ngực ba, và…lặng nghe ba trút hơi thở cuối. Đó là thời khắc với con tất cả như ngừng lại. Tất cả những lo toan bỗng trở nên xa lạ. Tất cả những lời lẽ, những lý do bỗng trở nên trống rỗng, vô nghĩa.

Đó là lúc con ngồi bệt cạnh ba, muốn kêu lên ba ơi con rảnh rồi, con không bận rộn nữa, con không để mình bận rộn nữa, cha con mình nói chuyện nghe. Nhưng ba đã không còn có thể nói gì với con nữa. Ba đang bị cuốn về một cõi khác. Nơi có một vầng sáng vô biên đang hút lấy ba. Nơi không có con. Ba ơi, ba đi bình yên nghe. Con nhớ ba, và sẽ còn nhớ ba nhiều lắm”.

Lúc ba mất, tôi cố gắng không khóc để ba đi thanh thản. Mấy ngày sau, tôi ngồi một mình khóc một trận đã đời. Rồi sau đó, cứ mỗi lần nhớ ba tôi lại không kiềm được nước mắt. Tôi cảm nhận rõ ràng sự cô đơn, côi cút của mình. Tôi nhận biết sâu sắc tôi đã thật sự mất chỗ dựa vững chãi và bền lâu nhất đời mình. Tôi mãi mãi mất đi tình thương yêu mênh mông vô tận mà tôi đã từng có. Rồi tôi chợt nhận ra, ba đang ở trong tôi, ba đang luân hồi trong tôi. Tôi cần đứng dậy. Tôi cần sống cả phần ba. Tôi cần sống như lúc nào cũng có ba bên cạnh. Tôi không biết trong kiếp trước tôi có từng là con của ba không? Tôi đã từng tiễn biệt ba trong đau đớn chưa? Nó đau đớn tới cỡ nào? Mà trong kiếp này chia xa ba tôi đau đớn đến vậy!

Ba gánh năm tháng oằn vai

Cho con ngày rộng tháng dài thảnh thơi

Ba gom mưa nắng vào người

Cho con có cả một trời bình yên

Ba giành hết những muộn phiền

Cho con vui giữa an nhiên cuộc đời`

“Con thương ba lắm ba ơi!”

Mà con chưa kịp nói lời thương ra

Phải chi ba đừng đi xa

Phải chi ba cứ ở nhà mình thôi

Cho con kịp nói một lời

(trước khi con phải thành người cút côi)

“Con thương ba lắm ba ơi!”.

Một ngày, tôi bỗng nhận ra cuộc sống thật đơn giản. Sống là hít thở lúc đó, là yêu thương lúc đó, là chia sẻ lúc đó, là quí trọng tất cả những gì mình có khi đó. Là không còn có thể hối tiếc tất cả những gì đã qua, đã mất đi. Là không suy tưởng những gì không hiện hữu. Cuộc sống vốn không phức tạp, chỉ con người làm cho nó phức tạp. Rồi để giải quyết mớ phức tạp tự gây ra đó, người ta làm cho nó phức tạp thêm. Tôi cố sống đơn giản. Làm việc chăm chỉ. Tập ăn uống, hít thở cho đúng. Luôn cố gắng sống yêu thương, nhường nhịn. Tiết giảm tối đa mọi thứ có thể gây ra phức tạp cho cuộc sống của mình và người chung quanh. Chỉ có nỗi nhớ ba là không sao giảm đi được. Nỗi nhớ ba của tôi như ly nước đầy để dưới vòi nước chảy mãi mà không ai tắt, lúc nào cũng tràn ra, lênh láng, dai dẳng.

( Ngô Thị Thu An).

9 Likes

E đã đọc một mạch đoạn trích này, thật sự rất cảm động, lời văn nhẹ nhàng, không màu mè, bóng bẩy một cách “văn học” theo lẽ thường mà chứa chan tình yêu thương, giản dị, sâu sắc. Chị nhà hẳn là một người như cách chị viết, bởi Văn là người.

2 Likes

Ảnh: hai bạn chí cốt của ông…


1 Likes

Xúc động quá ạ, đoạn trích làm e nghĩ đến bố mẹ mình :pleading_face:

3 Likes

Topic ngày 2/12 : "Chuối dán tường" - #3 bởi Mr.NaK

Quá trình in/ra sách : có hơn 20 trang WEB + báo đưa tin + bài giới thiệu. NaK tui cũng có bài review " đăng trên F 2 4 7 : Cuộc chuyện mê đắm …
Link này → Web vanchuongviet nhé:

https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=28561

Rảnh rỗi thì đọc chơi … để biết thêm Mr. này.

2 Likes

em mới đọc link.
Một người giàu tình cảm gia đình như chị nhà chắc chắn là người tử tế. Và anh đúng là tri kỷ của chị khi ghi nhận và đồng hành trên chặng đường ra sách của chị.

2 Likes

Sách/người viết chân thật. Anh người trong nhà, nghiêm túc mà nói … thì ko thể khách quan.

  • Thú vị của bài " Thế khó … " nằm ở 4. NaK tui tuy ko học ngôn ngữ nhưng nhiều khái niệm chữ được “dựng” thành: độc&sáng . Bài đây : nghĩa chữ viết lách.
2 Likes