1. Thông tin doanh nghiệp
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1956. Petrolimex hiện chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu cả nước, với mạng lưới phân phối rộng khắp gồm hơn 5,500 cửa hàng xăng dầu và nhiều đơn vị thành viên. Ngoài xăng dầu, Petrolimex còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như hóa dầu, bảo hiểm, vận tải và xây dựng, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và bền vững.
2. Kết quả kinh doanh
Kết thúc năm 2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 2,812 tỷ VNĐ, tăng 94% so với mức nền thấp của năm 2022. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ thương vụ thoái vốn khỏi PGBank. Trong quý 1/2024, doanh thu của PLX tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng xuất bán tăng tốt, khi một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối bị thu hồi giấy phép hoạt động. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại và sản lượng nhập khẩu xăng dầu giảm, tiết kiệm chi phí, trong khi việc bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được tính toán trước.
Lợi nhuận ròng quý 1/2024 của PLX tăng 73,2% so với cùng kỳ và tăng 67,4% so với quý trước, đạt mức 1,073 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn, phản ánh hiệu quả quản lý và chiến lược kinh doanh thích ứng với điều kiện thị trường biến động. Các yếu tố như việc quay lại hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và kế hoạch bảo dưỡng nhà máy Dung Quất đã giúp PLX duy trì và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn đầu năm 2024.
3. Tiềm năng doanh nghiệp
Triển vọng năm 2024-2025 của PLX có nhiều điểm sáng, đặc biệt khi thị trường tiêu thụ xăng dầu trong nước còn nhiều dư địa tăng trưởng. Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam, PLX sẽ hưởng lợi khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu gia tăng nhờ thị phần lớn và mạng lưới cửa hàng rộng khắp.
TopFIN nhận thấy rằng dân số Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến năm 2030, và tỷ trọng dân số thuộc tầng lớp thu nhập trung bình và cao cũng đang gia tăng. Cụ thể, thu nhập dao động từ 11-30 USD/ngày và 30-70 USD/ngày sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô và tiêu thụ xăng dầu. Dự báo doanh số bán ô tô toàn thị trường sẽ phục hồi từ quý 4 năm 2024 khi nền kinh tế khởi sắc, từ đó hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa.
TopFin cho rằng xu hướng sử dụng xe điện trong nước và trên thế giới đang diễn biến khá nhanh, tuy nhiên sẽ chưa tạo áp lực lớn đến các đơn vị cung cấp xăng dầu trong ngắn hạn (giai đoạn 2024-2025) do việc thay thế hoàn toàn các loại xe chạy xăng hiện tại sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian. Thêm vào đó, xe điện hiện tại chủ yếu là dòng xe cho gia đình, chưa thay thế được các dòng xe sử dụng xăng trong công nghiệp như xe vận tải lớn, xe bồn hay máy bay.
Doanh số - thị phần ô tô điện tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giớ
Kỳ vọng lợi nhuận của PLX sẽ phục hồi trong giai đoạn 2024-2025, đặc biệt từ việc cung cấp nhiên liệu bay. Với kịch bản nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng sẽ dần phục hồi từ nửa cuối năm 2024, số lượng khách du lịch di chuyển bằng máy bay sẽ tăng, giúp PLX hưởng lợi.
Trong năm 2023, lợi nhuận của mảng nhiên liệu bay giảm mạnh khoảng 70% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ nền kinh tế ảm đạm và giá xăng dầu thế giới cao. Đây sẽ là mức nền rất thấp cho tăng trưởng lợi nhuận mảng này trong giai đoạn 2024-2025. Chúng tôi dự phóng sản lượng nhiên liệu bay của PLX trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tăng lần lượt 13.2% và 5.0% so với cùng kỳ.
Sản lượng nhiên liệu bay của PLX trong năm 2023 có tăng trưởng nhưng lợi nhuận trước thuế lại sụt giảm
Nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2024
Ngoài ra, PLX cũng có khả năng tăng thị phần từ các nhà cung cấp bị thu hồi giấy phép. Gần đây, Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil bị thu hồi giấy phép kinh doanh do không quản lý chặt chẽ hoạt động phân phối xăng dầu và vi phạm pháp lý. Chúng tôi cho rằng đây là diễn biến tích cực cho PLX khi doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh thị phần từ các đơn vị này. Tính đến cuối năm 2023, thị phần thực tế của PLX vào khoảng 51%. Trong trường hợp tốt nhất khi PLX giành được toàn bộ thị phần từ các đơn vị bị thu hồi giấy phép, TopFIN kỳ vọng PLX có thể tăng thị phần thêm 0.3% đến 0.5%. Kết hợp từ việc nhu cầu trong nước tăng trưởng và thị phần có thể gia tăng, chúng tôi kỳ vọng sản lượng xăng dầu nội địa và tái xuất của PLX sẽ tăng trưởng lần lượt 3.2% và 2.5%, tổng sản lượng tăng lần lượt 4.1% và 2.6% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2025.
Về biên lợi nhuận gộp (LNG), TopFin cho rằng giá dầu sẽ duy trì ổn định ở mức cao và không có biến động lớn trong giai đoạn 2024-2025 khi nguồn cung dầu thô tiếp tục thắt chặt trước các nỗ lực của OPEC nhằm đảm bảo giá dầu. Nhu cầu tăng trưởng tại các khu vực chính như Trung Quốc và Mỹ khi nền kinh tế dần hồi phục cũng là một yếu tố quan trọng. Giá dầu ổn định giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PLX giảm tỷ lệ trích lập giảm giá hàng tồn kho, từ đó hỗ trợ tăng biên lợi nhuận gộp.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu của PLX đang được hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý. Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu được kỳ vọng chưa quay lại mức kịch khung trong năm 2024.
Theo Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024, tương đương với mức đã áp dụng trong năm 2023. Điều này tuy không trực tiếp cải thiện lợi nhuận của PLX nhưng sẽ hỗ trợ giá xăng dầu trong nước duy trì ổn định, gián tiếp ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Về mặt tài chính, PLX duy trì lượng tiền mặt ròng lớn và nợ vay đang có xu hướng giảm, giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tài chính ròng tích cực và duy trì vị thế tài chính vững mạnh. Cổ phiếu PLX có lịch sử chi trả cổ tức bằng tiền mặt hấp dẫn với mức chi trả từ 700 – 3,000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2019-2022. Năm 2023, doanh nghiệp dự kiến chi trả cổ tức ở mức 1,500 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 10% mệnh giá, tương đương thị suất cổ tức khoảng 2.7%.
Tại Đại hội cổ đông năm 2024 của PLX, doanh nghiệp đặt kế hoạch sản lượng năm 2024 giảm 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế giảm 27% so với thực hiện cùng kỳ (tương ứng giảm 10.2% so với kế hoạch 2023) do không còn lợi nhuận từ khoản thoái vốn lớn như năm 2023. Chúng tôi cho rằng đây là một kế hoạch thận trọng và PLX hoàn toàn có thể vượt kế hoạch đề ra như các năm trước đó.
Kỳ vọng thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, và PLX có khả năng gia tăng thị phần khoảng 0.3% - 0.5% khi một số nhà cung cấp nhỏ bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh xăng dầu. TopFIN dự báo tổng sản lượng xăng dầu của PLX sẽ tăng trưởng lần lượt 4.1% và 2.6% trong giai đoạn 2024-2025, và biên lợi nhuận gộp năm 2024 sẽ tăng 0.1 điểm phần trăm so với năm 2023 nhờ chủ động nguồn cung hơn khi việc bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã được lên kế hoạch trước.
Ước tính PLX sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024-2025 lần lượt là 16.4% và giảm 0.9%.
4. Định giá cổ phiếu
Định giá cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), TOPFIN kết hợp sử dụng 2 phương pháp định giá là P/E với giá trị trung bình ngành quanh 13, EPS cổ phiếu là 2,570 VNĐ/ cổ phiếu. Với phương pháp định giá Chiết khấu dòng tiền DCF với WACC kỳ vọng là 12%.
Định giá, giá mục tiêu hợp lý của cổ phiếu PLX là 48,259 đồng/cổ phiếu cao hơn 16% so với giá 41.700 đồng/ cổ phiếu hiện tại. PLX được đánh giá là một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư có kỳ vọng vào cổ tức ổn định và vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các rủi ro như sự suy giảm thị phần của xe chạy xăng do sự phát triển của xe điện và nguy cơ biên lợi nhuận bị ảnh hưởng khi phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài.
Nhóm Hỗ Trợ Nhà đầu Tư TCBS Miễn Phí - Miễn Phí Khóa Học Đầu Tư Chứng Khoán VN- Robot chứng khoán Cơ Sở báo gom hàng NĐT Lớn- Robot Phái Sinh báo lệnh