Bản Dự thảo 3 Nghị định về Kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào ngày 27/6/2024 vừa qua. Trước đó, đánh giá sơ bộ bản Dự thảo 2 Nghị định về Kinh doanh xăng dầu đã được chúng tôi đề cập tại Báo cáo cập nhật cổ phiếu PLX tháng 5/2024.
Chúng tôi nhận thấy bản Dự thảo 3 vẫn giữ được tinh thần chính của Dự thảo 2 là trao quyền quyết định giá bán lẻ cho các thương nhân đầu mối/phân phối, tuy nhiên có một số thay đổi đáng chú ý so với Dự thảo 2. Cụ thể, các điểm thay đổi chính bao gồm: (1) Thay đổi công thức giá bán xăng dầu tối đa, bổ sung lại khoản mục “premium” vào công thức giá bán và điều chỉnh với thời gian 7 ngày 1 lần (trong khi Dự thảo 2 có thể coi là bỏ khoản mục này); (2) Thay đổi cách điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức (theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm 1 lần hoặc khi có biến động bất thường) và (3) Không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối.
Bên cạnh đó, Dự thảo 3 cũng quyết định giữ nguyên số ngày dự trữ tối thiểu với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là 20 ngày cung ứng (khác với Dự thảo 2 đề xuất 30 ngày cung ứng), hỗ trợ chi phí kinh doanh trên một lít xăng dầu của các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chúng tôi cho rằng, bản Dự thảo 3 Nghị định về Kinh doanh xăng dầu đã hướng tới việc phản ánh sát sao hơn chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thông qua việc giảm thời gian điều hành của một số khoản mục trong công thức giá bán tối đa, từ đó theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và các chi phí vận tải, bốc dỡ, hao hụt liên quan.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đơn giản hóa quá trình tính toán giá xăng dầu bán lẻ khi không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trên thực tế, việc duy trì và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã gặp nhiều bất cập trong thời gian vừa qua khi: (1) Một số thời điểm, quỹ bị âm khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các thương nhân, (2) Một số doanh nghiệp đã lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích Quỹ Bình ổn giá.
Chúng tôi cho rằng biến động giá thực tế giữa kỳ điều hành giá xăng dầu bán lẻ hiện tại (7 ngày/lần) không phải quá lớn, ngoài ra vẫn có nhiều công cụ bình ổn giá khác ngoài sử dụng Quỹ, do đó việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là không quá cần thiết.
Chúng tôi cho rằng các thay đổi chính nói trên sẽ hỗ trợ nhiều nhất cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thị phần lớn với khả năng kiểm soát tốt các chi phí đầu vào như Petrolimex (HOSE: PLX) và PV Oil (UPCoM: OIL). Mặc dù vậy, Dự thảo cũng có yêu cầu khắt khe hơn với các điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối này.
Tinh thần chung của Nghị định là tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu tự quyết định giá bán, giảm các quy trình tính toán giá cơ sở liên quan, phản ánh tốt hơn biến động chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp với thị phần lớn như Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) có thể được hưởng lợi nhiều nhất.