POW: Có gì hấp dẫn ở cổ phiếu được khối ngoại mua ròng 11 tháng liên tiếp?

POW: Có gì hấp dẫn ở cổ phiếu được khối ngoại mua ròng 11 tháng liên tiếp?

Ngày 2/3/2023, cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) lọt vào Top đột phá của FiinTrade với khối lượng giao dịch lớn gấp 2 lần so với trung bình 10 ngày (xem Ảnh 1) và giá đóng cửa tăng +2,83%, đạt 12.700 đồng/cp.

Mức tăng giá này của POW được hỗ trợ bởi diễn biến tăng giá ở hầu hết các cổ phiếu ngành điện khác cũng như đà mua ròng tích cực của khối ngoại trong phiên.

Dữ liệu của FiinTrade cho thấy đây là phiên thứ 13 liên tiếp NĐT nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng cổ phiếu này. Xét theo khung thời gian dài hơn, POW là cổ phiếu hiếm hoi trên TTCK Việt Nam được NĐT nước ngoài mua ròng liên tục trong hơn 11 tháng qua. (Xem Ảnh 2)

Cụ thể, từ tháng 4/2022 đến nay, khối ngoại đã chi gần 1,34 nghìn tỷ đồng để mua ròng 98,5 triệu cổ phiếu POW qua khớp lệnh, tương đương 16,8% lượng cổ phiếu free-float và nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở cổ phiếu nhiệt điện này từ 1,97% vào tháng 3/2022 lên mức 6,14% hiện nay.

Đánh giá doanh nghiệp của FiinTrade

POW hiện đứng đầu trong lĩnh vực điện khí và là nhà sản xuất điện năng lớn thứ 2 tại Việt Nam với 7 nhà máy có tổng công suất 4.208 MW (hơn 60% là điện khí). Chúng tôi kỳ vọng POW sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ về lợi nhuận trong năm 2023 trên nền doanh thu và biên lợi nhuận cùng cải thiện, trong đó sản lượng điện sản xuất dự kiến tăng gần 1,4 tỷ kWh (tương đương 10%), nhờ các yếu tố hỗ trợ sau:

Sau quá trình đại tu, tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 dự kiến chạy ổn định trở lại vào ngày 3/3/2023. NMNĐ Vũng Áng 1 hiện có công suất là 1.200 MW, trong đó công suất của tổ máy số 1 là 600MW (tương đương 14,2% tổng công suất 7 nhà máy điện của POW).

Với sản lượng điện tiêu thụ được EVN dự kiến tăng 4% trong năm 2023, nhiệt điện khí và than được kỳ vọng sẽ được huy động nhiều hơn khi nguồn năng lượng tái tạo chưa ổn định và nguồn thủy điện kém hơn vì hiện tượng thời tiết La Nina đang yếu đi và El Nino đang mạnh lên.

Nguồn cung nhiên liệu (khí và than) dự kiến được đảm bảo cung ứng ổn định. Tỷ trọng than nhập khẩu thấp (15% nhu cầu than dự kiến của POW trong năm 2023) sẽ không tác động quá lớn lên biên lợi nhuận của POW.

Cập nhật định giá cổ phiếu

POW đang giao dịch với P/E trượt 12 tháng ở mức 15,7x, khá cao so với các cổ phiếu ngành điện (xem Ảnh 3), nhưng lợi nhuận được kỳ vọng bứt phá trong năm 2023 sẽ giúp POW cải thiện mức định giá này cũng như tạo dư địa tăng về giá.

Tuy nhiên, NĐT nên lưu ý rằng các thông tin về triển vọng LN tích cực này không hẳn là mới đối với thị trường và đây cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu hồi phục hơn 40% từ giữa tháng 11/2022 sau khi giảm khoảng 57% so với đỉnh lịch sử thiết lập đầu năm 2022.

Giá cổ phiếu vượt đường dài hạn MA200 trong ngày 2/3/2023, nhưng áp lực bán chủ động gia tăng vào cuối phiên khiến POW hụt đà tăng và chưa thể vượt vùng cản quanh mốc 13 nghìn đồng/cp. Đây là lần thứ 6 trong vòng 1 tháng qua POW vượt cản thất bại, cho thấy cổ phiếu có thể phải cần thêm thời gian tích lũy tiếp.

Bảng 1: POW lọt vào Top Đột phá của FiinTrade ngày 2/3/2023

Bảng 2: Khối ngoại mua ròng cổ phiếu POW trong 11 tháng liên tiếp

Ảnh 3: P/E của POW ở mức cao so với các cổ phiếu ngành điện

Ảnh 4: Chỉ số tài chính của POW giai đoạn 2020-2022

Cảm ơn anh.chị quan tâm, trên đây là một vài phân tích của mình!!!