Theo báo cáo tình hình kinh doanh mới đây, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực (4,6 nghìn tỷ đồng; +26% YoY) đến một phần sản lượng điện thương phẩm tăng 13% YoY. Tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng (Qc) cao hơn từ đầu năm đến nay là 90% (so với 72% trong 2T 2024), giúp giá bán trung bình tăng 11% YoY.
Sản lượng điện thương phẩm 2T 2025 hồi phục tốt so với vùng thấp của 2024. Lưu ý rằng hai năm 2023-2024 là giai đoạn khó khăn của điện khí, do vậy việc POW tiếp tục hồi phục so với cùng kỳ tích cực là điều được dự tính. Đầu năm cũng chưa phải là mùa cao điểm huy động, các số liệu khả quan hơn được kỳ vọng trong quý II và quý III.
Một điểm quan tâm của nhà đầu tư về tình hình triển khai Nhơn Trạch 3&4. Vào ngày 03/03/2025, Chính phủ đã phê duyệt sản lượng hợp đồng tối thiểu cho các nhà máy điện khí LNG ở mức 65% sản lượng trung bình trong nhiều năm, với thời hạn hợp đồng là 10 năm. Trước đó ngày 25/02/2025, PV Power đã ký kết GSA và gửi PV Gas để hoàn thiện ký kết hợp đồng mua khí LNG tái hóa cho giai đoạn vận hành thương mại NMĐ. Tính đến tháng 2/2025, tiến độ tổng thể của gói thầu EPC hoàn thành ước đạt 96%. Những hoạt động này phù hợp với tiến độ vận hành Nhơn Trạch 3 & 4 trong cuối năm 2025.
Mới đây, trong cuộc gặp giữa đại diện của Việt Nam và Mỹ, GAS đã ký Biên bản ghi nhớ với Conoco Phillips và Excelerate về việc nhập khẩu LNG từ Mỹ sau thỏa thuận mua bán khí đốt (GSA) 25 năm được ký kết giữa POW và GAS vào ngày 02/3. Điều này bổ sung thêm một nguồn cung khí LNG, mang tới kỳ vọng có nguyên liệu đầu vào ổn định hơn, ít rủi ro tăng đột biến trong tương lai, ủng hộ cho triển vọng dài hạn của Nhơn Trạch 3, 4, dù đây vẫn sẽ là nguồn điện với chi phí cao so với các nguồn điện khác trong hệ thống. Mặc dù như vậy, tạm thời StockLine vẫn đưa ra quan điểm thận trọng, hai dự án này trong những năm đầu vận hành có thể gần như không có lãi do chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao.