ĐHCĐ PVMachino (PVM): Tham gia sâu vào bất động sản khi có cổ đông mới là Tập đoàn T&T
Tại ĐHĐCĐ thường niên chiều 19/4, cổ đông thắc mắc về việc năm 2022, Tổng công ty Máy - Thiết bị dầu khí (mã PVM - UpCoM) bổ sung ngành nghề mới và đặt nhiệm vụ trọng tâm có kinh doanh bất động sản và vận tải logistic…
Trả lời cổ đông, ông Vũ Đức Tiến – Chủ tịch HĐQT PVM cho biết, năm 2022, PVM đánh dấu sự chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp sở hữu nhà nước sang đại chúng. Nếu trước đây có những ngành nghề muốn làm mà không làm được. Năm nay dành cho ban điều hành suy nghĩ, tính toán lợi thế của mình.
Mặt khác, Công ty có cổ đông mới (Tập đoàn T&T - PV). PVM cũng có lợi thế xuất nhập khẩu, vận tải, bảo trì, bảo dưỡng. Đây là bài toán mà PVM hướng đến để phục vụ hệ sinh thái mới này.
Các cổ đông cũng biết, PVM có dự án bất động sản ở huyện Đông Anh từ trước đến nay chúng ta chỉ bàn thôi nhưng khi có cổ đông mới, công ty có thể tham gia sâu vào dự án đó, lợi nhuận cũng sẽ tăng. Tương tự, công ty con ở Đà Nẵng cũng vậy. Như vậy, vừa khai thác lợi thế trước mắt của PVM vừa phát triển hệ sinh thái. Nếu dự án khả thi chúng ta sẽ có vốn, có thể vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, ông Tiến cho hay.
Nhắc đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu PVM tại HOSE vẫn “nợ” từ năm ngoái, ông Tiến cho biết, lẽ ra năm nay công ty có thể chia cổ tức 11-12% bằng tiền mặt, nhưng chốt lại 7% nhằm mục đích dành nguồn lực để chuẩn hóa BCTC phù hợp với quy định pháp luật như trích lập dự phòng… Xử lý xong vấn đề này sẽ niêm yết cổ phiếu PVM trong năm nay.
Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc PVM cho biết thêm về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới như kinh doanh thực phẩm, bất động sản, logistic…
Theo ông Hiệp, PVM định hướng giữ ngành nghề cốt lõi là thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đang tìm kiếm, thăm dò định hướng chiến lược mới là PVM trở thành nhà xuất nhập khẩu lớn ở Việt Nam. Việc thay đổi là tất yếu và bắt buộc phải đăng ký ngành nghề mới. Công ty cũng sẽ đi sâu một số dự án như bất động sản, khu công nghiệp, đầu tư cảng sâu, cảng biển, chuỗi logistic, xử lý rác thải, đầu tư nhà máy điện gió…
ĐHĐCĐ đã thông qua tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2022, bổ sung ngành nghề mới, sửa đổi Điều lệ, phân phối lợi nhuận năm 2021…
Năm 2022, PVM đạt doanh thu hợp nhất 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng, tăng lần lượt là 28% và 5% so với năm 2021.
Công ty đặt nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là cung cấp vật tư cho các nhà máy điện, dự án, công trình dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower)…
Đồng thời, triển khai phát triển thương mại, phân phối nội khối cho các dự án của Tập đoàn T&T; đẩy mạnh lĩnh vực thương mại dịch vụ; mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cụm công nghiệp, các dự án nhà máy xử lý rác thải, dự án điện gió…; phát triển lĩnh vực vận tải, logistic…
Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng thông qua kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu là 935,71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 54,09 tỷ đồng, lần lượt đạt kế hoạch đề ra là 93% và 108%. Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu đạt 499,7 tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm.