Mong manh thị trường dầu mỏ khi Biển Đỏ dậy sóng
THANH HÀ - Thứ năm, 18/01/2024 14:24 (GMT+7)
Leo thang bạo lực mới nhất ở Biển Đỏ có thể không ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung dầu châu Á vốn phụ thuộc vào nhập khẩu nhưng có khả năng đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn.
Tàu chở hàng di chuyển trên kênh đào Suez ở tỉnh Ismailia, Ai Cập. Ảnh: Tân Hoa Xã
Giá dầu đã tăng hơn 2% vào tuần trước, đạt mức cao nhất trong một ngày trong năm 2024 sau khi lực lượng Mỹ và Anh tiến hành hàng chục cuộc không kích vào lực lượng Houthi ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Sáng 16.1, vài giờ sau khi lực lượng Houthi tấn công một tàu thương mại thuộc sở hữu của Mỹ bằng tên lửa, dầu thô Brent được giao dịch trên 78USD/thùng, trong khi dầu WTI được giao dịch ở mức gần 73USD.
Căng thẳng ở Biển Đỏ khiến phí bảo hiểm chiến tranh cho vận chuyển hàng hóa tăng, nhiều tàu thuyền phải đi các tuyến đường dài hơn kể từ cuối năm ngoái. Hiện tại, nhiều tàu chở dầu và khí đốt đã chuyển hướng không đi qua Biển Đỏ.
Các nhà phân tích nhận định, dù căng thẳng gia tăng tại khu vực đang cung cấp 1/3 lượng dầu thô của thế giới, tác động của cuộc khủng hoảng này với thị trường châu Á có thể chỉ dừng ở mức giá dầu thô đắt hơn và thời gian chờ đợi hàng lâu hơn chứ không đe dọa nguồn cung của khu vực.
“Nếu xung đột vẫn ở mức âm ỉ, tập trung ở Biển Đỏ và không mở rộng sang eo biển Hormuz gần Iran, nguồn cung dầu cho châu Á khó có khả năng bị ảnh hưởng. Với nguồn cung dầu ở châu Á, eo biển Hormuz quan trọng hơn nhiều và là điểm chuyển tiếp của gần 20% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu" - Pushan Dutt, giáo sư kinh tế tại Đại học INSEAD của Pháp, cho biết.
Chuyên gia này nhấn mạnh, nguồn cung cấp dầu cho châu Á sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhiều khi Iran trở thành bên tham gia trực tiếp cuộc xung đột.
Dù vậy, các nhà nhập khẩu dầu của châu Á sẽ gặp khó khăn khi chi phí vận chuyển hàng hóa và phí bảo hiểm trên toàn thế giới đều cao hơn bởi các tàu chở hàng từ Trung Đông tới châu Âu phải chuyển hướng vận chuyển hàng hóa để tránh khu vực xung đột.
“Nếu Houthi mở rộng các cuộc tấn công như đã làm năm 2019 - tấn công các cơ sở dầu mỏ của Aramco bằng máy bay không người lái và tên lửa - thì chúng ta mới ghi nhận giá dầu tăng đột biến" - ông Pushan Dutt chỉ ra. Theo giáo sư tại INSEAD, khả năng Iran bị lôi kéo vào cuộc xung đột đang diễn ra là thấp.
Một nhà phân tích năng lượng khác cũng đồng ý với nhận định rằng, tác động tức thời của bạo lực hiện tại ở Biển Đỏ với nguồn cung năng lượng của châu Á có thể kiểm soát được.
Emily Li - nhà phân tích thị trường Trung Quốc cấp cao tại Vortexa - cho biết: “Chúng tôi tin rằng, tác động trực tiếp đến châu Á là có giới hạn. Có thể có tác động gián tiếp lớn hơn nếu giá dầu và cước phí vận chuyển bằng tàu chở dầu tăng trong những tuần tới".
Dữ liệu của Vortexa chỉ ra, trong số nguồn cung bằng đường biển tới châu Á năm 2023, chỉ có 10% dầu thô, 6% sản phẩm tinh chế sạch, 27% dầu nhiên liệu và các sản phẩm dầu bẩn khác đi qua eo biển Bab el Mandeb.
Eo biển này nằm giữa Yemen, Djibouti và Eritrea, được xem là chìa khóa trong vận chuyển giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải qua kênh đào Suez.
Ngoài tình hình Biển Đỏ, thị trường dầu mỏ thế giới cũng đang đối mặt với áp lực từ việc giảm sản lượng tại mỏ dầu hàng đầu của Libya, tắc nghẽn ở Kênh đào Panama và thời tiết lạnh giá ở Mỹ.