PVT: Dự kiến lợi nhuận năm 2023 giảm 53% so với năm 2022

Trong năm 2023, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí dự kiến lợi nhuận hợp nhất giảm 53% so với năm 2022 và sẽ đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng cho các dự án tàu.

image

Trong năm 2023, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán: PVT - sàn: HoSE) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 538 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và giảm 53% so với mức thực hiện trong năm 2022. Ban lãnh đạo Tổng Công ty cho biết kế hoạch kinh doanh năm nay được xây dựng trên cơ sở thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều khó khăn.

Về thị trường vận tải quốc tế, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí đánh giá triển vọng thị trường vận tải hàng lỏng gồm dầu thô, dầu sản phẩm trong năm nay nhìn chung vẫn tích cực nhờ nhu cầu vận chuyển tấn hải lý (tonne - mile demand) tăng trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn. Thị trường vận tải hóa chất và LPG dự báo duy trì ổn định, trong khi đó thị trường vận tải hàng rời cũng tích cực hơn do Trung Quốc mở cửa lại và sự hạ nhiệt dần của các bất ổn vĩ mô.

Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng do các rủi ro liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Đồng thời, giá cước vận tải năm 2023 dự kiến sẽ hạ nhiệt sau khi tăng cục bộ trong năm ngoái.

Về tiêu thụ xăng dầu nội địa, cả hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam đều đến kỳ bảo dưỡng trong năm 2023. Trong đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 50 - 55 ngày, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng trong 45 - 50 ngày. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vận chuyển nguyên liệu đầu vào của hai nhà máy này.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí nhận định nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước có thể bị tác động tiêu cực do suy giảm đà hồi phục nền kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. Do đó sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG nội địa trong năm 2023 dự kiến sẽ thấp hơn năm ngoái.

Trong năm 2022, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí chưa hoàn thành kế hoạch đầu tư 23 tàu như dự kiến. Tuy nhiên, nhờ tranh thủ thời điểm đầu năm thị trường chưa biến động nhiều, Tổng Công ty đã hoàn thành và đưa vào khai thác 2 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 13.000 DWT (PVT Estella, PVT Elena), 2 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT (PVT Sunrise, Aquarius), 1 tàu chở hàng rời Supramax (Bulk Orianna) và 1 sà lan chở hàng rời trọng tải khoảng 10.000 DWT (Epic 9).

Ngoài ra, trong năm 2022, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí cũng đã ký hợp đồng thuê bareboat và đưa vào khai thác 1 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT (PVT Flora), 1 tàu chở LPG trọng tải khoảng 5.000 CBM (Morning Jane) và 1 tàu chở hàng rời Handysize (Pacific Hope). Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã tổ chức bán/thanh lý thu hồi vốn một số tàu như: tàu Phương Đông Star, tàu Athena và tàu Song Hau VN.

Trong năm nay, Tổng Công ty dự kiến tổng vốn đầu tư là 4.114 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư tàu là 3.854 tỷ đồng, đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên là 260 tỷ đồng. Trong đó, ngoài các dự án đầu tư tàu được chuyển tiếp từ năm 2022 sang, Tổng Công ty có kế hoạch thực hiện dự án đầu tư mới trong năm nay là đầu tư 1 tàu chở khí loại VLGC khoảng 72.000 – 85.000 CBM hoặc 1 tàu VLCC khoảng 200.000 – 320.000 DWT.

Lợi nhuận hợp nhất quý 1 đạt 278 tỷ đồng

Đánh giá chỉ tiêu kinh doanh 2023, Chủ tịch PVT cho biết, kế hoạch xây dựng theo phương án thận trọng. Chỉ tiêu kế hoạch lúc nào cũng thấp hơn thực hiện năm trước, nhưng sẽ cao hơn kế hoạch năm trước. PVT đặt kế hoạch nhưng không ỷ lại và chỉ làm như vậy. Từ 2019 đến nay, lợi nhuận của PVT đều trên 1,000 tỷ, 2021 là 1,040 tỷ và năm 2022 thì hơn 1.4 ngàn tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, lợi nhuận hợp nhất đạt 278 tỷ đồng, tăng trưởng 81% so với năm trước.

“Độ nhạy của thị trường vận tải là rất nhanh, phản ứng ngay với các thông tin như chiến tranh, Fed tăng lãi suất. Bởi vậy, chúng ta phải xác định quản trị theo mục tiêu dài hạn, còn để dự báo chính xác thì khó. Chúng tôi hướng tới lợi nhuận trên 1 ngàn tỷ trong năm nay”, Chủ tịch Phạm Việt Anh phát biểu.

Chủ tịch PVT cũng cho biết, vận tải dầu sản phẩm, hoá chất, vận tải LNG là thị trường rất lớn, nhưng hiện đang khó khăn vì chiến tranh Nga-Ukraine đẩy giá rất cao. Với mức giá ấy, không nền kinh tế nào chịu nổi. Đến thời điểm hiện tại, vấn đề của LNG trong ngắn hạn là khó khăn, khi nhu cầu tăng cao. Một tàu LNG mới giờ cực kỳ đắt đỏ, có thể lên đến 200 triệu USD.

“Chúng tôi cũng từng hướng đến các tàu cũ, giá mềm hơn, nhưng giờ cũng đã đẩy lên. Vậy nên, đầu tư LNG ở thời điểm hiện tại chưa quá cấp thiết, có thể hướng đến các tàu khác”.

Về triển vọng vận tải LPG, Chủ tịch PVT cho biết, mảng LPG trước đây chiếm tỷ trọng rất tốt trong giai đoạn khó khăn. Nhưng thực ra, dư địa trong nước chỉ có vậy, khoảng 1 triệu tấn đổ lại.

Vài năm gần đây, thị trường LPG tăng khá mạnh. Nếu quy đổi thô, tàu LPG chạy trong nước chỉ 28%, còn lại là nước ngoài. Nhưng nhìn chung, xu hướng vận tải mảng LPG vẫn đang ổn định dù không có đột biến, khác với các tàu hàng rời.

Trong cơ cấu vận tải chung của Công ty, LPG chỉ chiếm khoảng 13%. Các mảng khác tăng trưởng tốt nên chiếm tỷ trọng lớn hơn, như tàu hàng rời.

Kế hoạch lãi sau thuế 2021-2025 tăng trưởng bình quân 5%/năm

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans chia sẻ thêm: “Xác định từ nay đến các năm sau, chúng ta sẽ sống trong môi trường kinh tế biến động. Trong bối cảnh đó, nhiều khi sẽ có nhiều thuận lợi trong ngắn hạn nhưng rủi ro chung lại thể hiện trong dài hạn.”

Theo ông Việt Anh, năm 2023 sẽ có nhiều biến động, thị trường vận tải biển có thể tích cực nhưng công tác đầu tư của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vạy, năm nay, công ty sẽ tháo gỡ những khó khăn để đẩy mạnh đầu tư đội tàu và hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc để phù hợp với tình hình phát triển mới.

Chủ tịch PVTrans cũng đại diện HĐQT trình cổ đông kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng doanh thu 5 năm dự kiến khoảng 39.000 - 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3%/năm; lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.800 – 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5%/năm và nộp ngân sách Nhà nước 2.300 – 2.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3%/năm.

Giai đoạn 2021-2025, PVTrans dự kiến chi 7.000 – 9.000 tỷ đồng cho nhu cầu đầu tư, trong đó, chủ yếu là đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị chiếm khoảng 90%, còn lại là đầu tư tài chính.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans, chia sẻ tại đại hội

Tăng vốn lên hơn 3.900 tỷ đồng

Cũng tại đại hội hôm nay, HĐQT trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.560 tỷ đồng lên 3.916 tỷ đồng đông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.

Hiện tại, PVTrans đang có vốn điều lệ hơn 3.236 tỷ đồng, theo kế hoạch công ty sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% và doanh nghiệp cho biết đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Về kế hoạch chia cổ tức năm 2022, công ty dự kiến chia cổ tức gồm 3% bằng tiền mặt (tính theo vốn điều lệ hiện tại) và 10% bằng cổ phiếu (sau khi đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2021).