Bất chấp “cơn gió ngược” mang tên giá dầu giảm, với thông tin tích cực từ phát hiện của PetroVietnam cùng triển vọng hưởng lợi từ căng thẳng Biển Đỏ và kết quả kinh doanh rực rỡ, cổ phiếu PVT của PV Trans vẫn băng băng vượt đỉnh lịch sử.
Trong phiên giao dịch ngày 8/5, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu dầu khí khi các mã này đua nhau khoe sắc xanh, tím.
Đáng chú ý, chỉ ít phút sau giờ mở cửa, cổ phiếu PVT của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans) đã nhanh chóng tăng hết biên độ trong tình trạng “trắng bên bán”, lên mức 28.100 đồng/cp. Mức giá này được duy trì đến hết phiên, đưa PVT vượt đỉnh lịch sử. Thanh khoản cũng tăng đột biến với 7,9 triệu cổ phiếu được “sang tay”.
Với phiên tăng trần này, vốn hoá thị trường của PV Trans đã cán ngưỡng 10.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Cổ phiếu PVT tăng kịch trần trong phiên giao dịch 8/5, lập đỉnh lịch sử
Đáng nói, đà tăng của PVT diễn biến ngược chiều với giá dầu. Sau 2 ngày đầu tuần tăng liên tiếp, giá dầu thế giới bất ngờ quay đầu giảm, khiến cho cổ phiếu này mất đi một “ngòi nổ”. Dù vậy, cổ phiếu PVT vẫn được thúc đẩy bởi nhiều thông tin tích cực khác.
Tin vui từ “ngoài khơi”
Cần biết, cổ phiếu PVT bật tăng ngay sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) công bố 2 phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, Lô PM3 CAA.
Theo thông tin được Petrovietnam công bố ngày 7/5, tại giếng R79, Vietsovpetro đã tiến hành thử vỉa đối tượng móng và đã nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng đạt gần 6.300 thùng/ngày. Theo kết quả đánh giá sơ bộ, dự kiến gia tăng tiềm năng dầu khí tại chỗ đạt khoảng 16,5 triệu thùng dầu và ước tính trữ lượng tăng thêm từ giếng khoan R-79 khoảng 4,6 triệu thùng.
Trong khi đó, tại giếng BA-1X, kết quả tính toán sơ bộ tài nguyên dầu tại chỗ khoảng 84 triệu thùng (tăng gần gấp đôi dự báo ban đầu) dự kiến gia tăng trữ lượng cho toàn bộ vỉa là khoảng 20,2 triệu thùng.
Được biết, giếng BA-1X đã được đưa vào khai thác từ ngày 5/5/2024 với lưu lượng khai thác ban đầu khoảng 2.100 thùng/ngày. Petrovietnam cho hay, trong thời gian tới, nhà điều hành Lô PM3 CAA sẽ tiếp tục thẩm lượng phát hiện dầu Bunga Aster để có thêm đánh giá chắc chắn về tiềm năng trữ lượng dầu của đối tượng để phát triển mở rộng, tận thu tối đa tài nguyên dầu tại mỏ. Ước tính sơ bộ, trữ lượng dầu tại 2 giếng đạt khoảng 100,5 triệu thùng, tăng 24,8 triệu thùng sau phát hiện mới.
Petrovietnam vừa công bố 2 phát hiện quan trọng tại các mỏ dầu ngoài khơi
Thời điểm hiện tại, thành công của những phát hiện nói trên được đánh giá là đã mở ra hướng đi quan trọng trong công tác thăm dò khai thác, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của Petrovietnam. Với việc tận dụng tối ưu hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu, có thể dễ dàng, nhanh chóng được đưa vào khai thác, tận thu những nguồn tài nguyên quý giá.
Việc giếng BA-1X có thẻ đưa vào khai thác ngay, tương tự giếng khoan Bunga Lavatera-1 năm 2023 cũng là một bài học để các nhà thầu tại các lô, mỏ khác có thể học tập, thay đổi, tận dụng nguồn lực, tối ưu phát triển và khai thác trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, những kết quả này cũng góp phần vào hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác năm 2024 của Tập đoàn nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng.
Hưởng lợi từ căng thẳng Biển Đỏ
Bên cạnh “ngòi nổ” nói trên, cổ phiếu PVT còn được tiếp sức bởi nhiều động lực hỗ trợ khác. Trước đó nữa, ngày 6/5, trong một thông báo gửi tới khách hàng, Tập đoàn vận tải biển Maersk cho biết, tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển container trên Biển Đỏ đang gia tăng và được dự đoán có thể làm giảm tới 20% năng lực vận tải biển giữa khu vực Viễn Đông và châu Âu trong quý II/2024.
Liên quan đến vấn đề này, các tổ chức tài chính đánh giá, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ tiếp diễn trong năm 2024 sẽ tiếp tục gây sức ép lên tình hình vận chuyển dầu khí trên thế giới, khiến giá cước vận tải duy trì ở mức cao. Trong khi đó, mức tăng trưởng đội tàu chở dầu thô trên toàn cầu trong ngắn hạn cũng được nhận định còn “rất hạn chế” do mức đầu tư đóng mới tàu trong những năm vừa qua ở mức thấp. Theo VNDirect và SSI, cán cân cung - cầu hiện nay sẽ hỗ trợ giá cước thuê tàu chở dầu neo mức cao, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động cao trên thị trường quốc tế, trong đó có PV Trans.
Cần biết, PV Trans là đơn vị vận tải biển duy nhất của Petrovietnam sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, trong đó có khoảng 20% đội tàu hoạt động ở thị trường nội địa và 80% hoạt động ở thị trường quốc tế thông qua hợp đồng thuê tàu định hạn. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng hưởng lợi trực tiếp từ việc giá cước thuê tàu tăng cao.
Giá cước vận tải biển neo cao mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động cao trên thị trường quốc tế như PV Trans
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, PVTrans cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng đội tàu. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ rót 58 triệu USD vào dự án chuyển tiền năm ngoái để đầu tư 1 tàu VLGC hoặc 1 tàu Aframax hoặc 2 tàu MR; chi 22 triệu USD vào dự án chuyển tiếp từ năm ngoái để đầu tư 1 tàu dầu hoá chất hoặc 1 tàu hàng rời; và dành 52 triệu USD cho dự án đầu tư mới vào 2 tàu MR hoặc 1 tàu Aframax.
Kết quả kinh doanh rực rỡ
Một động lực khác cho đà tăng của cổ phiếu PVT là sự tăng trưởng tích cực của kết quả kinh doanh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, khép lại 3 tháng đầu năm, PV Trans đã thu về 2.536 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 306 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Theo PV Trans, kết quả này là nhờ quy mô đội tàu đã được gia tăng; đồng thời, hiệu quả khai thác đội tàu của công ty và các công ty con đều được cải thiện trong thời gian qua.
Được biết, năm nay, PV Trans vẫn tiếp tục xu hướng “thận trọng” khi đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất ở mức 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 760 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 38% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý I, doanh nghiệp này đã hoàn thành gần 29% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Thực tế, kết quả thực hiện của PV Trans thường vượt hoặc cao gấp nhiều lần kế hoạch đề ra. Đơn cử như trong năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.135 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.222 tỷ đồng, lần lượt 49% và 127% so với kế hoạch. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi thành lập.
PV Trans vừa xác lập kỷ lục kinh doanh mới trong năm 2023
Ngoài những yếu tố nói trên, đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí cũng được cho là đến từ sự luân chuyển của dòng tiền sau khi đã xoay vòng tăng giá tại hầu hết các nhóm như chứng khoán, bán lẻ, thép,...
Trong báo cáo mới nhất của FiinGroup, các chuyên gia đánh giá, dầu khí sẽ là nhóm cổ phiếu hút tiền trong tháng 5. Theo FiinGroup, dầu khí là một trong số 4 nhóm ngành đang ở vùng định giá thấp với P/E 20,6 lần và P/B 1,3 lần. Mặt khác, đây cũng là nhóm có dòng tiền dự kiến duy trì vì có câu chuyện cơ bản hỗ trợ, kết quả kinh doanh quý I tích cực, triển vọng năm 2024 khả quan và hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu.
https://vietnamfinance.vn/pvt-noi-song-doi-tau-lon-nhat-viet-nam-vuot-dinh-lich-su-d110470.html