#qns - liệu còn triển vọng sau nửa năm đầy “ngọt ngào”?

Sau nửa đầu năm 2023 bùng nổ trong kết quả hoạt động kinh doanh, liệu QNS có còn tiềm năng trong nửa cuối 2023? Cùng TechProfit tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé

Kết quả kinh doanh bùng nổ trong nửa đầu năm 2023

  • Doanh thu thuần của QNS trong nửa đầu năm 2023 ghi nhận 5.298 tỷ đồng, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ 2022, một số sản phẩm vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và có mức tăng trưởng doanh thu cao.
  • Tính riêng trong quý 2, doanh thu của QNS đã lập đỉnh với 3.152 tỷ đồng (+43% YoY). Trong đó, mảng đường mía vẫn là động lực tăng trưởng chính với sản lượng tiêu thụ cao đạt 120.000 tấn, ghi nhận 2.220 tỷ đồng (+164% YoY) doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 470 tỷ đồng (+488% YoY).
  • Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện ở mức 31,6% do sự tăng trưởng đáng kể của quy mô bán hàng mảng đường. Nhờ doanh thu “khủng” từ mảng đường mía, QNS ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 cao kỷ lục, đạt 712 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2022 cũng như tăng mạnh so với các quý trước đó.
  • Trong nửa sau 2023, mảng mía đường được kỳ vọng sẽ tiếp tục “bứt phá” và là động lực tăng trưởng chính cho QNS trong bối cảnh cả giá bán và sản lượng đường của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Tận dụng giá đầu vào thấp gia tăng hàng tồn kho

  • Từ quý I/2023, QNS đã gia tăng hàng tồn kho lên tới 2.117 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản và gấp hơn 2 lần so với quý trước đó.
  • Sang quý 2, hàng tồn kho của doanh nghiệp tuy giảm nhưng vẫn ở mức khá cao 1.756 tỷ đồng.
  • Nhiều khả năng QNS đã nhập đường thành phẩm ngoài thị trường lúc giá rẻ để hưởng lợi từ xu hướng đường tăng giá.

Tiền mặt lớn làm điểm tựa chính cho doanh nghiệp

  • Trong 2 quý đầu năm 2023, QNS tăng cường nợ vay và giữ tỷ lệ Nợ vay/Tổng tài sản khá lớn, trong đó toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.
  • Có thể thấy, doanh nghiệp đang sử dụng nợ vay để tập trung đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho cũng như phục vụ nhu cầu về vốn lưu động để gia tăng nguyên vật liệu, hàng hoá và phục vụ sản xuất kinh doanh.
  • Tuy vậy, việc giữ lượng lớn tiền mặt vẫn sẽ giúp đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp. Tỷ lệ Tiền mặt/Tổng tài sản tăng dần theo từng quý và luôn giữ ở mức trên 40% trong 1 năm trở lại đây.
  • Lượng tiền mặt lớn cũng là điểm tựa vững chắc giúp doanh nghiệp đáp ứng những mục tiêu, kế hoạch nâng công suất nhà máy, dây chuyền sản xuất,…trong tương lai

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP

  • Nguồn cung eo hẹp khiến giá đường tăng cao tạo động lực cho mảng đường mía
    Nguồn cung thu hẹp là yếu tố chính khiến giá đường thế giới liên tục tăng cao trong năm nay, trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi tại các khu vực có thị phần xuất khẩu lớn như Ấn Độ và khối châu Âu.
    Ấn Độ - một trong những quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới dự kiến cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10/2023 khi tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía tại quốc gia này. Tính đến cuối tháng 9/2023, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ, giảm mạnh so với mức kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước.
    Ngoài ra, việc giá dầu tăng trở lại cũng tác động 1 phần tới giá đường khi làm tăng mức độ hấp dẫn của sản xuất Ethanol, gián tiếp gây áp lực lên nguồn cung đường.
    Giá đường thế giới được dự đoán vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh trạng thâm hụt đường vẫn tiếp diễn, cũng như ảnh hưởng từ thời tiết tiêu cực sẽ gây các tác động không nhỏ tới niên vụ mía 2023 – 2024. Cùng với đó, giá đường nội địa nhiều khả năng cũng sẽ hưởng ứng đà tăng và “cùng pha” với giá đường thế giới do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường Việt Nam.
    Tiếp nối đà tăng đầy ấn tượng trong nửa đầu năm 2023, mảng đường mía được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu chính cho QNS trong thời gian tới với những tác động tích cực từ giá đường cũng như sản lượng đường của doanh nghiệp.

  • Củng cố vị thế bằng việc đẩy mạnh sản phẩm mới qua các kênh bán lẻ
    Với việc sở hữu các sản phẩm như dòng đậu nành với nhiều hương vị, sữa chua uống thực vật đầu tiên tại Việt Nam, sản phẩm đường mới được đóng gói nhãn hiệu “An Khê”, QNS đang đẩy mạnh tiếp cận các kênh thương mại hiện đại như Bách Hóa Xanh, BigC, Coop, Winmart,… nhằm phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
    Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy doanh thu cũng như củng cố vị thế dẫn đầu của QNS trong ngành.

  • Mảng sữa đậu nành vẫn còn nhiều thách thức
    Mảng sữa đậu nành của QNS trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy yếu cũng như sự cạnh tranh từ các đối thủ.
    Trong quý 2/2023, doanh thu mảng sữa đậu nành lại suy giảm nhẹ, chỉ đạt 1.978 tỷ đồng và giảm -7,3% so với cùng kỳ. Ngoài ra, việc VNM khi cho ra mắt các dòng sản phẩm sữa đậu nành với giá bán bình quân rẻ hơn 2.000-3.000 VNĐ/1 lốc càng khiến sự canh tranh trên thị trường trở nên gay gắt.

Bên cạnh đó, tuy giá đậu nành giảm giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ chi phí đầu vào, nhưng QNS vẫn phải gánh chịu thêm chi phí gia tăng của bao bì, phụ gia khác.

KẾT LUẬN

Với nửa đầu năm 2023 đầy “ngọt ngào”, QNS được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Mảng đường mía sẽ tiếp tục là động lực chính cho doanh nghiệp với việc được hưởng lợi từ giá đường tăng cao và sản lượng được cải thiện, trong khi mảng sữa đậu nành vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, việc sở hữu cơ cấu tài chính vững chắc với lượng tiền mặt dồi dào sẽ là điểm tựa cho các hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao công suất nhà máy, dây chuyền,… trong tương lai của doanh nghiệp.

Đường SLS ngon nhất bác ah