Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, nhiều ngân hàng như Techcombank, HDBank, VIB , TPBank, MB,... chốt việc trả cổ tức năm 2023 bằng cả tiền mặt lẫn cả cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, 2023 là một năm khó khăn với các nhà băng. Song, một số ngân hàng vẫn chốt phương chia cổ tức cao, bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.
Techcombank chia cổ tức 15% tiền mặt, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 20/4, lãnh đạo Techcombank cho biết, với lợi nhuận để lại của năm 2023, sau trích lập các quỹ, ngân hàng này vẫn còn nguồn tiền lớn để có thể chia cổ tức cho cổ đông. Thế nên, Techcombank chốt phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 là 15%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), tính trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt.
Với tỷ lệ cổ tức 15%, Techcombank sẽ chi khoảng gần 5.284 tỷ đồng. Nguồn để chia là lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.
Bên cạnh đó, Techcombank chốt phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ thực hiện 100%. Như vậy, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Tổng tỷ lệ Techcombank chia cho cổ đông là 115%, đứng đầu hệ thống ngân hàng và cũng là trường hợp đặc biệt.
HDBank chia cổ tức 30% trong đó bao gồm 10% tiền mặt, 20% cổ phiếu
Ban đầu, HDBank trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25%. Thế nhưng tại ĐHĐCĐ, HDBank đã điều chỉnh tăng tỷ lệ chia cho cổ đông và chốt phương án chia cổ tức năm 2023 là 30%. Mức chi trả tiền mặt sẽ là 10% và cổ phiếu là 20%.
Với mức chi trả cổ tức này, HDBank đang là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về chia cổ tức cao cho cổ đông, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của Techcombank.
VIB chia cổ tức 29,5% bao gồm 12,5% tiền mặt, 17% cổ phiếu thưởng
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 2/4, lãnh đạo VIB cho biết, sau trích lập các quỹ, VIB còn hơn 7.600 tỷ đồng để có thể chia cổ tức. Vì vậy, VIB chốt chia cổ tức tỷ lệ 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng.
Riêng về cổ tức tiền mặt, trong 3 tháng đầu năm nay VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6%. Trong năm nay, VIB cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng, tăng 17,44% so với năm trước thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ tương ứng.
ACB chia cổ tức tỷ lệ 25% trong đó 10% bằng tiền mặt
Cũng tại ĐHĐCĐ, HĐQT ACB cho biết, sau khi đóng góp thuế và trích lập các quỹ theo quy định, ACB còn lại hơn 13,3 ngàn tỷ đồng lợi nhuận, cộng với hơn 6,5 ngàn tỷ lợi nhuận để lại các năm trước, tổng cộng xấp xỉ 20 ngàn tỷ đồng.
Với nguồn lực này, ACB sẽ trích ra hơn 9,7 ngàn tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau chia cổ tức, ACB vẫn còn hơn 10 ngàn tỷ giữ lại.
TPBank chia cổ tức tỷ lệ 25% trong đó 5% bằng tiền mặt 20% bằng cổ phiếu
Năm nay, TPBank chốt phương án chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 5% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc trả cổ tức bằng tiền mặt là nhằm tri ân các cổ đông đã đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian qua và xét trên tình hình kinh doanh ổn định, có bề dày và phát triển an toàn của TPBank.
Với phương án chia cổ phiếu, TPBank sẽ phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.
Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2023. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng thêm hơn 4.403 tỷ đồng, lên 26.419 tỷ đồng.
Nam A Bank chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 29/3, cổ đông Nam A Bank chốt phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.
Thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, từ mức 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng.
Vietbank chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 26/4, Vietbank thông qua quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 25% dưới hình thức chi trả bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 5.780 tỉ đồng lên 7.139 tỉ đồng. Trước đó, vào năm 2019, Vietbank cũng đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 14% cũng dưới hình thức chi trả bằng cổ phiếu.
MB chia cổ tức tỷ lệ 20%, gồm 5% tiền mặt, 15% cổ phiếu
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 của MB, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế năm 2023 còn lại là gần 14.774 tỷ đồng. Cộng với lợi nhuận còn lại của các năm trước, tổng lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của MB đạt 18.952 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần, tổng tỷ lệ 20%.
Thứ nhất, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.
Thứ hai, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
SHB chia cổ tức tỉ lệ 16% bao gồm 5% tiền mặt, 11% bằng cổ phiếu
Tại ĐHĐCĐ SHB diễn ra vào chiều 25/4, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng, HĐQT Ngân hàng SHB chốt phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu.
Dự kiến, sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý 3 hoặc quý 4/2024 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.
Đây là năm đầu tiên SHB tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt. Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, trong kế hoạch kinh doanh năm 2024, SHB dự tính tiếp tục trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 18% và sẽ thực hiện chia trong năm 2025.
VPBank chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%
Tại ĐHĐCĐ, VPBank thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông trong quý II hoặc quý III năm nay. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.
Vietcombank và VietinBank dành toàn bộ lợi nhuận để lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu
Tại ĐHĐCĐ, Vietcombank cho biết, lợi nhuận sau thuế 2023 của ngân hàng riêng lẻ là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng. Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức, tất nhiên còn phải theo sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tương tự Vietcombank, lãnh đạo VietinBank thông báo tại ĐHĐCĐ, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.457 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 13.927 tỷ đồng, dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước.
Đức Anh