Tổng thu ngân sách nhà nước của Quảng Bình 4 tháng năm 2024 đạt hơn 1.892 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa thực hiện 1.412 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 480 tỷ đồng, tăng 470% so với cùng kỳ...
Công chức hải quan Quảng Bình giám sát hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Cha LoTheo báo cáo số 1059/KHĐT-TH của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG 7%
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Bình đã có mức tăng trưởng khá, trong đó, ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức tăng cao so với cùng kỳ (chỉ số sản xuất tăng 25,3 lần) do Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty cổ phần Xenlulo Quảng Bình mới đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất đồ uống tăng mạnh do bắt đầu bước vào mùa hè; một số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế biến thực phẩm, may mặc, chế biến gỗ,… có thêm đơn hàng mới đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp.
Dự ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 4 tháng năm 2024 của Quảng Bình tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh này sản xuất trong 4 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ, như: Thủy hải sản chế biến các loại đạt 7.753 tấn, tăng 8,9%; tinh bột sắn đạt 5.339 tấn, tăng 65,2%; bia đóng chai đạt 1.629 nghìn lít, tăng 155,1%; áo sơ mi đạt 4.030 nghìn cái, tăng 11,5%; ván ép từ gỗ đạt 15.778 m3, tăng 49,0%.
Đối với hoạt động thương mại của Quảng Bình, tháng 4 là thời gian có 2 kỳ nghỉ lễ lớn: Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5, hoạt động mua sắm, nghỉ dưỡng, tham quan du lịch diễn ra nhộn nhịp, đồng thời cũng là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng cao điểm, tác động đến nhu cầu tiêu dùng tăng (đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, hàng may mặc, trang thiết bị gia đình, đồ dùng điện tử điện lạnh...).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 của Quảng Bình ước đạt 4.210 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; 4 tháng ước đạt gần 16.950 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm tăng cao 13,5% đóng góp tăng cao nhất 5,1 điểm phần trăm; nhóm hàng may mặc tăng 9,2% đóng góp tăng 1,2 điểm phần trăm; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,7% đóng góp tăng 0,8 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung.
KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG CAO
Về hoạt động du lịch của Quảng Bình, trong tháng 4, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình trong tháng 4 ước đạt hơn 410.000 lượt khách tăng 17,43%. Lũy kế 4 tháng năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh này ước đạt gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa dự ước đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, tăng 35,94%, khách quốc tế dự ước đạt 59.122 lượt khách, tăng 80,17% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động vận tải và dịch vụ khác của tỉnh này, cụ thể, ước tính vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 4 đạt 495,5 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ; 4 tháng đạt gần 1.950 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
UBND tỉnh Quảng Bình đã có Văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arlines) và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đề nghị có phương án tăng cường năng lực khai thác đường bay Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Cùng với ngành lưu trú ăn uống du lịch, các ngành dịch vụ khác của Quảng Bình cũng tăng trưởng mạnh, như: Ngành dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí; Ngành dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Doanh thu hoạt động các ngành kinh doanh dịch vụ khác tháng 4 của Quảng Bình ước đạt gần 225 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ; 4 tháng ước đạt hơn 890 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ 8 DỰ ÁN
Tổng thu ngân sách nhà nước của Quảng Bình 4 tháng năm 2024 đạt hơn 1.892 tỷ đồng, đạt hơn 31% dự toán Trung ương và địa phương giao, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 1.412 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 480 tỷ đồng, tăng 470% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 4 tháng năm 2024 thực hiện gần 5.857 tỷ đồng, đạt gần 42% dự toán Trung ương và địa phương giao, tăng 5% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh này đến hết tháng 4 thực hiện hơn 767 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với tháng trước, đạt 16,2% so với kế hoạch tỉnh triển khai.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 45,5 tỷ đồng; thu hút 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng.
Trong 4 tháng qua, Quảng Bình đã cấp đăng ký thành lập mới 198 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 2.185 tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 36% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tỉnh này có 18 doanh nghiệp giải thể, 231 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 105 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này đạt 8.818 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 116.000 tỷ đồng.
https://vneconomy.vn/quang-binh-thu-ngan-sach-tu-xuat-nhap-khau-tang-cao.htm