Quý 2 thua lỗ, 1 công ty xây dựng vừa lọt vào danh sách kiểm tra của Tổng Cục Thuế

CTCP Fecon (Mã FCN) ghi nhận thua lỗ trong Quý 2/2023. Đồng thời đơn vị này vừa lọt vào danh sách kiểm tra của Tổng Cục thuế năm 2023.

Fecon (FCN) thua lỗ 1,4 tỷ đồng trong Quý 2, áp lực lãi vay ngày càng tăng

Kết quả kinh doanh của CTCP Fecon (FCN) cho thấy sự xuống sức từ Quý 1/2023. Doanh thu Quý 1/2023 đạt 609,1 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,8 tỷ đồng. So với Quý 4 ngay trước đó thì lãi sau thuế của Fecon đã giảm tới 17,6 lần.

Sang đến Quý 2/2023, kết quả kinh doanh của Fecon tiếp tục đi lùi dù doanh thu có tăng trưởng nhẹ. Doanh thu Quý 2 đạt 674 tỷ đồng, giảm 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 549 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 124,9 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 18,5%.

Fecon (FCN) nằm trong danh sách bị kiểm tra của Tổng Cục Thuế (Ảnh TL)

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm một nửa, chỉ còn 5,2 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí lãi vay, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí tài chính đang chiếm 70,6 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy tình hình vay nợ đang gia tăng trong cơ cấu tài sản của Fecon.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong Quý 2 lần lượt đạt 5 tỷ và 49,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi hết các loại chi phí và thuế, Fecon đã ghi nhận lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số đang là âm 11,6 tỷ đồng trong khi cổ đông công ty mẹ vẫn ghi nhận lãi 10,1 tỷ đồng.

Fecon nằm trong danh sách kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023 của Tổng cục thuế

Vừa qua, trong danh sách công ty được kiểm tra chuyên ngành bởi Tổng Cục Thuế ban hành theo Quyết định 1326/QĐ-TCT của Tổng Cục thuế đã có nhắc tới tên CTCP Fecon. Như vậy, Fecon cũng nằm trong danh sách 42 công ty được kiểm tra chuyên ngành bởi Tổng cục Thuế trong năm 2023.

Cũng trong thời gian này, Fecon đang phải ghi nhận cơ cấu tài sản với rủi ro hiện hữu khi tổng vay nợ cao gần bằng vốn chủ sở hữu.

Cụ thể thì tại cuối Quý 2, Fecon ghi nhận tổng tài sản đạt 7.681,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý đó là tiền và các khoản tương đương tiền đang chiếm 273,5 tỷ đồng. Công ty có thêm 14 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đang chiếm 1.734,5 tỷ đồng. Trong khi các khoản phải thu khó đòi đang chiếm 3,9 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, Fecon đang cho thấy tỷ trọng nợ phải trả chiếm phần lớn, với 4.279,7 tỷ đồng, tương đương 55,7% tổng nguồn vốn. Một phần đáng kể trong đó là khoản vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn với 2.018,2 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ so với đầu năm.

Như vậy, đồng nghĩa với việc chỉ trong 6 tháng đầu năm, Fecon đã gia tăng lượng nợ ngắn hạn thêm 250 tỷ đồng. Nợ vay tài chính dài hạn đang chiếm 944 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Fecon đang chiếm 2.962,2 tỷ đồng, cao gần bằng vốn chủ sở hữu. Gia tăng nợ đồng thời cũng sẽ gia tăng lãi vay phải trả, tạo ra áp lực cho doanh thu công ty.

Vấn đề về sức khoẻ tài chính của Fecon còn được thể hiện thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty trong 6 tháng đầu năm. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 122,9 tỷ đồng, cho thấy công ty đang thu không đủ bù chi. Một khoản chi tiền mặt lớn lên tới 137,1 tỷ đồng cho lãi vay trong kỳ cũng cho thấy áp lực về dòng tiền của công ty.