Quý đầu năm, nợ xấu của MBBank tăng nhanh nhất trong hệ thống ngân hàng do đâu?

Tỷ lệ nợ xấu quý I/2024 của MBBank đã tăng khoảng 80 điểm cơ bản, tương ứng tăng 56% so với đầu năm.

Theo thống kê từ Báo cáo tài chính quý I/2024 của các nhà băng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã chứng khoán: MBB) hiện đang là ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu, theo đó nợ xấu đến 30/3 đã tăng 56% so với đầu năm. Tiếp theo đó là VietABank (52,6%), Vietcombank (24,1%), Vietinbank (22,8%),Vietbank (21,9%), BIDV (20,7%)...

Theo đó, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý I của MBB đạt 615.317 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với thời điểm đầu năm. Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu đạt 15.294 tỷ đồng, tăng 56%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ mức 1,6% hồi đầu năm lên 2,5% cuối quý thời điểm 31/12/2024.

Nguyên nhân nợ xấu tăng được giải thích trong cuộc họp giữa CTCP Chứng khoán Vietcap và MBBank về kết quả kinh doanh quý I/2024 vừa qua. Vietcap thông tin, việc phân loại nhóm nợ theo xếp hạng điểm tín dụng (CIC) dẫn đến mức tăng khoảng 80 điểm cơ bản trong tỷ lệ nợ xấu quý I/2024 của MBB.

Tỷ lệ nợ xấu tăng chủ yếu do một khách hàng doanh nghiệp quan trọng bị ngân hàng khác hạ xếp hạng. Theo đó, khách hàng này vẫn có dòng tiền và đang duy trì thanh toán cho MBB. Phía MB cho biết, Ngân hàng đang làm việc với khách hàng này và ngân hàng liên quan để giải quyết và kỳ vọng nhóm nợ của khách hàng này có thể trở lại với mức cũ.

“MBB ước tính tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phân loại lại theo CIC trong quý II/2024, khoảng 20 điểm cơ bản”, Vietcap chia sẻ.

MBBank dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu

Bên cạnh nợ xấu tăng, NIM của MBB cũng giảm do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn chi phí huy động vốn tại MBB. Hiện nay, Ngân hàng đang duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, MBB đã tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế (giảm lãi suất cho vay 50 điểm cơ bản - 150 điểm cơ bản).

Các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02 là 0,44% trên tổng dư nợ và đã được trích lập dự phòng đầy đủ.

Cũng thông tin từ cuộc họp, tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) quý I/2024 của MBB cũng giảm từ mức cao do tính chất thời vụ về thanh toán của một số doanh nghiệp, ngân hàng cũng đang sắp xếp huy động một số nguồn vốn nước ngoài.

Trong thông báo, Vietcap đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất sẽ đi ngang và có thể tăng vào cuối năm 2024. Đánh giá về triển vọng năm nay, CTCK này cho rằng NIM của MBB sẽ đi ngang so với quý I hoặc tăng nhẹ nhờ cải thiện chi phí vốn, tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản. CASA dự kiến đi ngang hoặc cải thiện nhẹ. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% - 25% trong năm nay.

Theo Vietcap, thông tin tại cuộc họp với MBB cho thấy triển vọng tích cực hơn về đà phục hồi chất lượng tài sản của ngân hàng trong những quý tới. Đồng thời, việc giải thích thêm thông tin về chất lượng tài sản của ngân hàng giúp giảm bớt lo ngại về sự suy giảm chất lượng tài sản trong tương lai.

Chi Hạ

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quy-dau-nam-no-xau-cua-mbbank-tang-nhanh-nhat-trong-he-thong-ngan-hang-do-dau-233906.html