Quỹ Lumen Vietnam 'bốc hơi' đáng kể hiệu suất từ đầu năm, dự báo áp lực tỷ giá vẫn cao

Quỹ ngoại ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 6,57% trong tháng 4. 10 khoản đầu tư lớn nhất đang chiếm hơn 45% danh mục, gồm: FPT, VNM, MWG, MSN, PLX, STB, CTG, HPG, VRE, BVH.

Theo báo cáo mới đây của Lumen Vietnam Fund (LVF), quỹ ngoại ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 6,57% trong tháng 4, từ đó thu hẹp hiệu suất từ đầu năm còn dương 2,17%, đồng thời đứt chuỗi tăng trưởng hiệu suất 5 tháng liên tiếp.

LVF đứt chuối 5 tháng tăng trưởng hiệu suất. (Nguồn: LVF).

Tỷ lệ tiền mặt đạt 16,77% tại cuối tháng 4, thấp hơn so với 18,3% của cuối tháng 3. 10 khoản đầu tư lớn nhất đang chiếm 45,43% danh mục, gồm: FPT, VNM, MWG, MSN, PLX, STB, CTG, HPG, VRE, BVH. Như vậy, HPG đã gia nhập top 10 với tỷ trọng 3,64%, thay thế KBC tại cuối tháng trước.

Cơ cấu danh mục LVF tại cuối tháng 4. (Nguồn: LVF).

Theo LVF, thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 4 trải qua đợt điều chỉnh sau một thời gian dài tăng điểm khả quan. Áp lực bán xuất phát từ hoạt động chốt lời khi các nhà đầu tư tìm cách hiện thực hóa lợi nhuận trên nhiều cổ phiếu. Ngoài ra, kết quả kinh doanh thấp hơn dự kiến của một số công ty đã kéo giá cổ phiếu của họ xuống, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chung.

VND mất giá so với USD và những tin đồn liên quan đến quan chức cấp cao cũng góp phần tạo nên tâm lý tiêu cực cho TTCK.

Về phía mình, khi nhận ra một số rủi ro ngắn hạn và các dấu hiệu quá nóng ở một số cổ phiếu nhất định, LVF đã chủ động tăng tiền mặt kể từ cuối tháng 2, như đã đề cập trong báo cáo tháng 2 và 3. Tận dụng sự điều chỉnh của thị trường vào tháng 4, nhà quản lý quỹ đã tiến hành cơ cấu lại một phần danh mục đầu tư của mình bằng cách tiếp tục bán những cổ phiếu được định giá quá cao, theo quan điểm của LVF, và bắt đầu mua những cổ phiếu có chất lượng chọn lọc ở mức giá thuận lợi hơn.

Chiến lược đầu tư trên sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới với những điều chỉnh linh hoạt dựa trên điều kiện TTCK. Trong giai đoạn này, LVF cho biết sẽ ưu tiên cổ phiếu thuộc các ngành mà hiệu quả kinh doanh dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới.

Áp lực tỷ giá dự kiến vẫn cao trong quý II

Quỹ duy trì quan điểm tích cực về thị trường và nền kinh tế. Hiện nay, động lực tăng trưởng kinh tế rất mạnh, với sự phục hồi của hoạt động tiêu dùng và xuất khẩu đều tiến triển như kỳ vọng. Các công ty hiện đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2022 và 2023 sau những nỗ lực tái cơ cấu và giảm nợ.

Việc tăng lãi suất (nếu cần thiết để hỗ trợ ổn định tỷ giá hối đoái) từ 50 điểm cơ bản lên 100 điểm cơ bản sẽ không tác động đáng kể đến quá trình phục hồi kinh tế nhưng cần thiết để thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

VND mất giá so 2% với USD trong tháng 4 hay mất 4,4% từ đầu năm, song vẫn trội so với các nước trong khu vực như JPY (-11,9%), KRW (-7,1%), THB (-8,6%), IDR (-5,6%). Trong dài hạn, một số loại tiền tệ bị mất giá cao hơn trong hai năm qua, tuy nhiên, VND chỉ mất giá dưới 3% mỗi năm và tỷ giá hối đoái năm 2024 dự kiến cũng sẽ có diễn biến tương tự.

Giống như các nền kinh tế khác, sự mất giá của VND chủ yếu là do chỉ số USD (DXY) tăng. Đặc biệt, DXY tăng 1,7% trong tháng 4 và 4,8% từ đầu năm lên 106,2 do Fed gần đây cho thấy tín hiệu không cắt giảm lãi suất cho đến tháng 9.

Dữ liệu lạm phát gần đây cho thấy rủi ro địa chính trị cũng ngày càng phức tạp hơn. Ngoài ra, giá vàng miếng trong nước Việt Nam tăng 7,2% kể từ đầu tháng 3 hay 12,1% kể từ đầu năm, thậm chí cao hơn mức tăng của giá vàng thế giới. Có khả năng Việt Nam có thể nhập khẩu vàng để thu hẹp khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới, đồng nghĩa với việc nhu cầu USD tăng cao.

Nhà quản lý quỹ cho rằng yếu tố không kém phần quan trọng là nhu cầu theo chu kỳ từ các công ty nước ngoài và các nhà nhập khẩu xăng dầu, bao gồm việc hoàn trả cổ tức của các công ty FDI cho nước họ, dòng vốn FII chảy ra từ cuối năm 2023 cũng như nhu cầu nhập khẩu xăng dầu cao hơn do Nhà máy lọc dầu Bình Sơn bảo trì 50 ngày trong quý I.

Ở diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có động thái nhằm hạn chế áp lực tỷ giá. Kể từ ngày 11/3, NHNN đã rút ròng tổng cộng 171.000 tỷ đồng (7 tỷ USD) khỏi hệ thống ngân hàng thông qua tín phiếu kho bạc và repo. Với dự trữ ngoại hối mạnh hiện tại với hơn 3 tháng nhập khẩu, NHNN cũng công bố giá USD giao ngay cho các ngân hàng thương mại ở mức 25.450 đồng (tăng 4,9% so với đầu năm) nhằm hạn chế đà tăng tỷ giá.

Nhà quản lý quỹ cho rằng áp lực tỷ giá dự kiến vẫn còn trong ngắn hạn quý II, nhưng tỷ giá dự kiến sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 3%-3,7%. Điều này do dự kiến Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, thu hẹp lãi suất giữa lãi suất tiền gửi của Việt Nam và lãi suất Fed cũng như lãi suất cơ bản của Fed. thặng dư thương mại mạnh

Lãi suất ở Việt Nam sẽ phục hồi trở lại từ vùng thấp kỷ lục, nhưng vẫn ở mức hấp dẫn cho tăng trưởng kinh tế. Sau khi giảm 300 điểm cơ bản vào năm 2023, lãi suất tiền gửi từ các ngân hàng trong nước của Việt Nam đã giảm thêm 50 điểm cơ bản trong quý I. Tuy nhiên, do tác dụng phụ từ việc NHNN rút ròng, lãi suất qua đêm đã tăng từ mức dưới 1% lên trên 4% vào đầu tháng 4 năm 2024, tiến gần đến lãi suất tiền gửi dài hạn.

Mặc dù T-bill (tín phiếu) hết hạn vào cuối tháng 4, hầu hết các ngân hàng trong nước gần đây vẫn điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi một chữ số, sớm hơn dự kiến trước đó. Theo quan sát từ các ngân hàng trong nước, sự đồng thuận kỳ vọng lãi suất sẽ tăng 50 điểm cơ bản so với năm 2023, ngụ ý lãi suất tiền gửi cuối năm 2024 là 5,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường là 6%-6,5%. Do đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất lành mạnh có thể vừa giảm bớt áp lực tiền tệ, vừa hỗ trợ tín dụng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Tương quan lãi suất VND và lãi suất Fed. (Nguồn: LVF).

Xuân Nghĩa

https://vietnambiz.vn/quy-lumen-vietnam-boc-hoi-dang-ke-hieu-suat-tu-dau-nam-du-bao-ap-luc-ty-gia-van-cao-20245911565413.htm