Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (POF) muốn tăng sở hữu tại OPC lên 23,5% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 20/5 đến 14/6. Đây không phải lần đầu tổ chức này có động thái muốn gom cổ phiếu trong năm.
Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (POF) đăng ký mua 6,5 triệu cổ phiếu của Dược phẩm OPC (Mã: OPC) từ ngày 20/5 đến 14/6.
Nếu giao dịch thành công, thành viên thuộc Quản lý quỹ PVI (PVI AM) sẽ tăng sở hữu từ 8,6 triệu cp (13,4% vốn) lên thành 15,1 triệu cp (23,5% vốn). Chiếu theo thị giá 23.950 đồng/cp vào phiên sáng 16/5, lượng cổ phiếu trên trị giá khoảng 156 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI có động thái muốn gom cổ phiếu trong 2024. Cổ đông này từng đăng ký mua 10 triệu cp từ 19/2 đến 1/3 và 6,5 triệu cp từ 24/4 đến 15/5. Tuy nhiên, các giao dịch này đều không được thực hiện.
Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI có một người liên quan tại OPC là ông Nguyễn Anh Vũ. Cụ thể, ông Vũ là Thành viên Ban kiểm soát tại OPC, đồng thời đang làm việc tại Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI. Cá nhân này không sở hữu cổ phiếu OPC.
Về cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp dược phẩm, ngoài Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI còn có 3 cổ đông lớn khác gồm ông Trịnh Xuân Vương - Thành viên Hội đồng quản trị của OPC, Dược Việt Nam (Mã: DVN) và CTCP Pacific Partners. Nhóm 4 cổ đông này đang sở hữu tổng cộng khoảng 57% vốn OPC.
Cổ phiếu OPC tương đối kém thanh khoản trên thị trường. Khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 năm chưa đến 5.000 cp. Diễn biến này đến từ cơ cấu sở hữu khá cô đặc, cùng với việc dược phẩm không phải là lĩnh vực thu hút nhà đầu tư giao dịch trên sàn.
Kết quả kinh doanh gần nhất, OPC báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý I đạt 32 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, công ty đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền vào 14/5, dự kiến thanh toán vào 21/5. Tỷ lệ thực hiện đạt 15% (1 cp nhận 1.500 đồng).