ROS: bị hủy niêm yết bắt buộc từ 05/09/2022; MWG: Muốn bán 20% cổ phần Bách Hóa Xanh, định giá 1,5 tỷ USD

,

𝐁𝐀̉𝐍 𝐓𝐈𝐍 𝐒𝐀́𝐍𝐆 𝐍𝐆𝐀̀𝐘 𝟐𝟔/𝟎𝟖/𝟐𝟎𝟐𝟐

1. Thông tin thế giới
· Nhiều ông lớn hóa chất châu Âu ngừng sản xuất phân bón

  • Theo hãng tin Bloomberg, sau những nỗ lực để tránh việc cắt giảm sản lượng phân bón trong bối cảnh giá khí đốt ở Châu Âu tăng gấp hơn 4 lần trong năm nay, Công ty hoá chất lớn nhất Ba Lan Grupa Azoty đã tạm dừng sản xuất các loại phân bón bao gồm phân nitrogen và caprolactam. Ngoài ra, công ty cũng cắt giảm sản lượng ammonia vì không đảm bảo được mức lợi nhuận cần thiết khi giá khí đốt không ngừng lập kỷ lục mới. Grupa Azoty không nói rõ sẽ áp dụng các biện pháp này trong bao lâu.
  • Grupa Azoty là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ nhì trong Liên minh châu Âu (EU). Công ty này cũng là một trong những nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở Ba Lan, sử dụng hơn 20 gigawatt giờ khí đốt mỗi năm.
  • Yara International ASA – Công ty sản xuất phân bón khác tại Ba Lan – cũng đã giảm sản xuất trong tháng 7/2022.
  • Anwil SA, một đơn vị hóa dầu thuộc PKN Orlen của Ba Lan, cũng đã ngừng sản xuất phân bón trong ngày 21/08 với lý do tình hình giá cả không thuận lợi.
  • Theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), lượng phân bón hoá học được sử dụng trên thế giới có thể giảm tới 7% trong vụ gieo trồng tới - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 - vì giá phân bón tăng, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu.

· Trung Quốc tung thêm gói giải pháp 1.000 tỷ nhân dân tệ giải cứu nền kinh tế

  • Trung Quốc vừa công bố gói giải pháp hỗ trợ mới bao gồm 19 điểm, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới đối mặt với một loạt khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng bất động sản cho tới gần nhất là tình trạng thiếu điện do nắng nóng.
  • Gói giải pháp mới, được công bố bởi Quốc vụ viện Trung Quốc trong sáng 25/8, bao gồm một số giải pháp hỗ trợ tài chính trị lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD) nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, đồng thời cho phép các địa phương linh hoạt lựa chọn các phương án hỗ trợ thị trường bất động sản. Một số điểm trong gói hỗ trợ mới này hướng tới việc gỡ bỏ các rào cản trong lĩnh vực vận tải, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi họ phát sinh nhu cầu di chuyển xuyên biên giới.
  • Ba tháng trước, chính phủ Trung Quốc tung ra gói giải pháp bao gồm 33 điểm, với nguồn vốn được bố trí lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ ra nhằm vực dậy nền kinh tế trì trệ sau nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch Covid-19.
  • Trước bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với một loạt khó khăn, gói hỗ trợ được đưa ra kịp thời để hỗ trợ giải cứu và vực dậy nền kinh tế tại đất nước này

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam
· Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về độ mở kinh tế

  • Trong báo cáo Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam của Fitch Solutions cho quý III năm nay, Việt Nam đạt 74,6 trên 100 điểm về độ mở kinh tế, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46 và mức trung bình toàn cầu là 49,5 điểm. Trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 201 thị trường được tổ chức này đánh giá.
  • Độ mở kinh tế của Fitch Solutions là thước đo từ độ mở thương mại và độ mở đầu tư, dựa trên giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
  • Fitch Solutions nhận xét Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi nỗ lực tự do hoá kinh tế của Chính phủ và quá trình hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại.
  • Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
  • Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD.

· Bộ Tài chính không đồng ý miễn 100% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay

  • Trong văn bản mới nhất trả lời kiến nghị của Vietnam Airlines về việc miễn 100% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu, Bộ Tài chính cho hay: thuế bảo vệ môi trường nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, luật Thuế bảo vệ môi trường không quy định miễn thuế này.
  • Để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, thời gian qua, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay.
  • Qua đánh giá, Bộ Tài chính nhận định việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và hãng hàng không nói riêng, góp phần giúp các hãng giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Bộ Tài chính cho biết thêm, mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường là mức điều chỉnh tối đa theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Quốc hội giao tại Luật thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp cần giảm hơn nữa mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thì cần phải trình Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường về 0 sẽ không đảm bảo đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, giá dầu thô trên thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết
· ROS: bị hủy niêm yết bắt buộc từ 05/09/2022

  • Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros.
  • Lý do hủy niêm yết là tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
  • Theo đó, 567.6 triệu cổ phiếu ROS sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 05/09/2022.
  • Trước đó, HOSE đã ra quyết định đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán đối với cổ phiếu ROS từ ngày 12/08/2022 do Công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

· MWG: Muốn bán 20% cổ phần Bách Hóa Xanh, định giá 1,5 tỷ USD

  • Hôm 24/8, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) cho biết công ty đã thuê một cố vấn để hỗ trợ việc bán tới 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh, định giá ước tính là 1,5 tỷ USD, theo Reuters. “Chúng tôi đã chọn một cố vấn và đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho thương vụ”, đại diện MWG trao đổi với Reuters qua email.
  • MWG đã đóng tổng cộng 400 cửa hàng so với đầu năm và hoàn tất việc thay đổi bố trí mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. Cuối tháng 7, công ty có 1.735 cửa hàng Bách Hóa Xanh, doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt khoảng 1,3 tỷ đồng.
  • “Với việc doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí được kiểm soát, tôi kỳ vọng Bách Hóa Xanh có thể có lãi ngay trong quý 4. Qua năm 2023, sự chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ chấm dứt, Bách Hóa Xanh thực sự trở thành động lực tăng trưởng của tập đoàn”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động chia sẻ.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

  • Phiên giao dịch ngày 25/08/2022, chỉ số VNINDEX tiếp tục mở gap tăng 3 điểm ngay từ đầu phiên sáng và đà tăng được duy trì khá tốt và đã vượt được mốc 1.280 điểm nhờ sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu VN30. Kết phiên, chỉ số VNINDEX đóng cửa ở mốc cao nhất 1.288,88 điểm, tăng 11,72 điểm (+0,92%).
  • Về độ rộng thị trường, phe mua vẫn tiếp tục chiếm ưu thế với 279 mã tăng/188 mã giảm. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước, đạt 15.482 tỷ đồng.
  • Dẫn dắt cho đà tăng điểm chỉ số VNINDEX chủ yếu là cổ phiếu VHM (+1,438 điểm), GVR (+1,321 điểm) và VIC (+0,969 điểm) . Chiều ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số là cổ phiếu GAS (-0,389 điểm), VGC (-0,137 điểm).
  • Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 2 nhóm ngành giảm điểm là Chăm sóc sức khỏe và Công nghệ thông tin với mức giảm nhẹ dưới 0,2%. Ngược lại thì Nguyên vật liệu có mức tăng tốt nhất (+2%), Tiêu dùng và Bất động sản tăng quanh 1,3%. Các nhóm ngành còn lại đều có sự hồi phục dưới 1%. Top nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.720 tỷ đồng), Công nghiệp và Nguyên vật liệu (quanh 2.200 tỷ đồng) và Bất động sản (1.711 tỷ đồng).
  • Với đà tăng tích cực từ thị trường, khối ngoại phiên hôm qua đã quay trở lại mua ròng hơn 90 tỷ đồng, với đại diện là VNM (+75,97 tỷ đồng), MSN (+61,36 tỷ đồng). Chiều bán ròng có PHR (-53,47 tỷ đồng), NVL (-43,56 tỷ đồng).
  • VNINDEX đã mở gap tăng 2 phiên liên tiếp cho thấy sự hưng phấn của nhà đầu tư và đã thành công vượt mốc 1.280 điểm sau nhiều phiên chịu áp lực bán lớn. Mốc 1.300 - 1.320 điểm là vùng kháng cự tiếp theo mà VNINDEX hướng đến, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng, không nên quá hưng phấn để mua đuổi theo những mã cổ phiếu đã tăng mạnh. Ưu tiên quản trị rủi ro và cơ cấu lại danh mục với những mã cổ phiếu đã có dấu hiệu suy yếu.
1 Likes