Rủi ro khi diện tích sầu riêng tăng 'nóng' kèm theo sự phát triển không đồng bộ

Hơn 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đã mang về hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu ứng giá cao, tăng xuất khẩu đang tạo cơn sốt mở rộng diện tích sầu riêng, nguy cơ phá vỡ đề án phát triển bền vững ngành hàng này là rất rõ.

Sầu riêng tăng trưởng nóng

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết năm 2020 tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000ha song đến cuối năm 2023, con số này đã tăng chạm mức 151.000ha.

Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Ước tính, có khoảng 50% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi.

Rủi ro khi diện tích sầu riêng tăng nóng kèm theo sự phát triển không đồng bộ

Hiện nay, khu vực trồng nhiều sầu riêng nhất là Tây Nguyên với diện tích gần 75,5 nghìn ha, sau đó là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần 43 nghìn ha, Đông Nam Bộ hơn 25 nghìn ha và Duyên hải Nam Trung Bộ hơn 7 nghìn ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời gian qua giá sầu riêng tăng cao khiến nhiều nơi người dân ồ ạt trồng.

Đặc biệt, một số địa phương người dân còn chặt bỏ những cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng nóng diện tích sầu riêng, trồng không theo quy hoạch hoặc ở những nơi đất đai không phù hợp dễ dẫn đến cung vượt cầu, dư thừa sản phẩm, giá xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với trên 32.000 ha và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi định hướng của địa phương chỉ ở khoảng 22.000-25.000 ha. Ngoài những diện tích chuyên trồng sầu riêng, Đắk Lắk còn phần diện tích sầu riêng xen canh với nhiều loại cây trồng khác như càphê, tiêu, bơ…rất khó để thống kê chính xác.

“Những năm gần đây, giá sầu riêng cao nên tình trạng người người, nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng, hoạt động thu mua, kinh doanh sầu riêng tại địa phương rất sôi động. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất, thu mua, xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk cũng hội tụ đủ các vấn đề từ tranh mua, tranh bán, bẻ kèo, bỏ cọc, vi phạm mã số vùng trồng… Địa phương cũng không thể cấm người dân trồng mới sầu riêng hay can thiệp vào các hoạt động mua bán giữa các bên, chỉ có thể đưa ra khuyến cáo,” ông Vũ Đức Côn chia sẻ.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cũng cho biết, Tiền Giang là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 20.000 ha; trong đó có 15.000 ha đang cho thu hoạch. Hiện tại diện tích sầu riêng của tỉnh đã vượt quá quy hoạch đến năm 2025 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Phát triển không đồng bộ

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Nóng về diện tích nó đi kèm theo với sự phát triển không đồng bộ. Trong thời gian qua chúng ta đã bị cảnh báo rất nhiều, nếu không nhận thức được vấn đề đó, không thay đổi kịp thời sẽ gánh hậu quả khó lường".

Sản xuất sầu riêng của nước ta có nhiều thuận lợi do mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm; giống chủ lực trong sản xuất là Ri6 và Monthon được thị trường chấp nhận; chi phí sản xuất không quá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa cho sản phẩm chế biến từ sầu riêng…

Mặc dù vậy, việc sản xuất và tiêu thụ sầu riêng của nước ta cũng còn nhiều khó khăn, thách thức bởi thị trường tiêu thụ hẹp khi chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc; sự cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia; tổ chức chuỗi ngành hàng còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp.

Chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu đã xuất hiện nhiều vấn đề như sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất; thu hoạch non, không đạt chất lượng; vi phạm mã số vùng trồng; cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua, xuất khẩu.

Rủi ro khi diện tích sầu riêng tăng nóng kèm theo sự phát triển không đồng bộ

Không chỉ tăng nóng về diện tích, tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng xảy ra liên tục. Công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của địa phương không theo kịp với thực tế tăng diện tích, sản lượng sầu riêng tại tỉnh đặt mặt hàng sầu riêng trước rủi ro về xuất khẩu.

Về vấn đề tăng trưởng nóng, vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - đánh giá đây là vấn đề "nhức nhối" nhất ngành hàng sầu riêng và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm trong thời gian qua.

"Dù Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, hướng dẫn cùng cảnh báo tuy nhiên nhiều tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn vẫn vi phạm", ông Đạt nói.

Hướng đến phát triển bền vững

Tại hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng, những năm qua, sầu riêng đóng vai trò quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, việc gia tăng xuất khẩu, giá cao đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch loại cây trồng này.

Vì vậy, các địa phương cần rà soát lại những vùng trồng, xem những nơi nào phù hợp để tiếp tục phát triển cây trồng này. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng phát triển tự phát, nhất là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô; tăng cường vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện nghiêm các quy trình canh tác, thu hái; quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng xuất khẩu bảo đảm yêu cầu của thị trường; thực hiện tốt việc cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng ổn định, mang lại hiệu quả lâu dài.

Rủi ro khi diện tích sầu riêng tăng nóng kèm theo sự phát triển không đồng bộ

Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp; tập trung áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh như: Tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa trái vụ; nâng cao chất lượng sầu riêng quả tươi và sản phẩm chế biến, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Cùng với đó, cần xây dựng chương trình khuyến nông cho cây sầu riêng, trong đó ưu tiên áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu hoạch bảo đảm năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm…

Trung Anh (T/H)

https://thuongtruong.com.vn/news/rui-ro-khi-dien-tich-sau-rieng-tang-nong-kem-theo-su-phat-trien-khong-dong-bo-121481.html