Theo tờ Nikkei Shimbun (Nhật Bản), nguy cơ khủng hoảng nợ công đang gia tăng ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Nhân viên kiểm đồng USD tại một ngân hàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều này phần lớn là do đồng tiền sở tại đang mất giá so với đồng USD, làm tăng gánh nặng phải trả nợ bằng đồng USD. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã dần lùi xa, có tới 70% số quốc gia trong khu vực có thể sẽ tiếp tục thâm hụt cán cân tài chính.
Tại Đại hội thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra ở thủ đô Tbilisi của Gruzia vào ngày 5/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh, các lỗ hổng nợ công vẫn còn nghiêm trọng không chỉ ở các nước thu nhập thấp mà còn ở một số nước thu nhập trung bình.
Trước đó, tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính với những quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra vào ngày 3/5, ông Suzuki cũng tuyên bố sẽ hợp tác để đảm bảo sự bền vững của nền tài chính khu vực. ADB cũng quyết định tăng nguồn cung để cung cấp vốn phát triển cơ sở hạ tầng nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhật Bản là nước đóng góp lớn nhất cho quỹ này khi bày tỏ ý định sẽ đóng góp 160 tỷ yen (khoảng 1 tỷ USD) cho ADB để hỗ trợ các nước thu nhập thấp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nợ công ở các nước mới nổi và có thu nhập trung bình tại châu Á sẽ tăng lên mức tương đương 82,4% GDP vào năm 2024, tăng 3 điểm phần trăm so với năm trước. Con số này cao hơn mức 36,2% GDP ở châu Âu và 68,5% GDP ở châu Mỹ Latinh. Nợ công của các nước thu nhập thấp cũng tăng 1 điểm so với năm trước, lên mức tương đương 44,6% GDP. Theo ADB, 70% số quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn thâm hụt tài chính trong tài khóa 2023.
Tính đến tháng 2 năm nay, IMF đã phân loại 9 trong số 69 quốc gia có thu nhập thấp là gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài và 25 quốc gia thuộc diện có nguy cơ cao. Lào được xếp vào nhóm quốc gia gặp khó khăn trong việc trả nợ, trong khi Maldives, Papua New Guinea, Kiribati và Quần đảo Marshall được xếp vào nhóm quốc gia có nguy cơ cao.
Một quan chức ngoại giao của ASEAN đã trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia rằng, Lào là cửa ngõ của Trung Quốc vào thị trường Đông Nam Á. Nợ công của Lào được cho là sẽ vượt 120% GDP vào năm 2023. Một nửa số nợ nước ngoài của nước này được cho là thuộc về chủ nợ Trung Quốc.
Cảm giác bất an về tình hình tài chính của Lào đã khiến cho đồng kip Lào mất giá thêm so với đồng USD và đồng baht Thái, và cũng làm tăng gánh nặng trả nợ bằng đồng USD. Lào là đất nước phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm từ bên ngoài, nên những lo ngại về lạm phát cũng gia tăng. Tháng 7/2023, Thủ tướng Lào đã ban hành quy định khuyến khích việc sử dụng đồng kip trong các thanh toán nội địa.
Trong số các quốc đảo Thái Bình Dương, Palau và Fiji cũng có khoản nợ công cao, vượt 80% GDP. Nền kinh tế của các quốc đảo thường rất dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường như mực nước biển dâng cao, nên nhu cầu chi tiêu tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng.
Với việc Quần đảo Solomon thiết lập quan hệ với Trung Quốc, sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương cũng ngày càng gia tăng. Để đảm bảo ổn định kinh tế khu vực, Nhật Bản cần tăng cường hợp tác với các đối tác và đồng minh để thúc đẩy việc các quốc đảo Thái Bình Dương phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao cũng như đảm bảo tính minh bạch về nợ công.
https://bnews.vn/rui-ro-no-cong-ap-sat-cac-nuoc-dang-phat-trien/332695.html