Sai số huy động điện gió, điện mặt trời tới 20%, thách thức cho hệ thống

Nguồn điện tái tạo đã được huy động ở mức cao do nắng nóng trên diện rộng khiến tiêu thụ điện tăng cao. Thực trạng này gây nhiều khó khăn cho vận hành hệ thống điện.

Huy động nhiều nguồn năng lượng tái tạo có thể gây khó khăn cho hệ thống - Ảnh: N.HIỂN

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa thông tin về tình hình vận hành, cung ứng điện trong tuần qua khi diễn biến nắng nóng ở cả ba miền và phụ tải (nhu cầu sử dụng điện) ở mức cao lên tới 946,6 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 65,4 triệu kWh.

Nhu cầu điện tăng mạnh, riêng miền Bắc tới 35,5%

Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý có những ngày như 26-4, sản lượng của hệ thống điện quốc gia tăng 23,1%, sản lượng điện hệ thống điện miền Bắc tăng 35,5%. Ngày 27-4, công suất cực đại hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%. Công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc tăng 19,9%.

Mặc dầu phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao như đã nêu ở trên, tình hình cung ứng điện tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt, theo Bộ Công Thương. Nhiều tổ máy được khởi động như tổ máy 2 Ô Môn; huy động Phú Mỹ 4, Phú Mỹ 21 chạy LNG; thủy điện ACT phát hỗ trợ cao điểm phụ tải...

Trong các nguồn điện, thủy điện được huy động với sản lượng trung bình ngày tăng cao khoảng 174,6 triệu kWh, cao hơn 47,3 triệu kWh. Nhiệt điện than được huy động toàn bộ các tổ máy khả dụng trên hệ thống, với sản lượng trung bình ngày là 556,9 triệu kWh, cao hơn 36,1 triệu kWh so với kế hoạch.

Nhiệt điện khí được huy động là 91,1 triệu kWh, cao hơn 13,1 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4. Trong tuần qua đã phải huy động các tổ máy Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 4 sử dụng khí LNG.

Nguồn điện tái tạo được huy động là 105,5 triệu kWh, trong đó điện gió là 13,9 triệu kWh. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực cho hay sai số dự báo năng lượng tái tạo lên tới khoảng 20%, trong khi công suất đặt của nguồn này là 21.000MW, nên sai số tuyệt đối có thể lên tới 4.200MW.

Theo quy định, sai số dự báo phụ tải cho phép là 2%. Như vậy tính tổng cả sai số dự báo phụ tải và năng lượng tái tạo là khoảng 4.110MW, tương ứng với 60% công suất đặt nhà máy thủy điện nhỏ.

Cơ quan quản lý cho rằng, điều này có thể gây nhiều khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện, do phạm vi điều chỉnh sản lượng công bố của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trong các trường hợp quy định tại thông tư thị trường điện chỉ là ±5% công suất đặt của thủy điện nhỏ.

Lo sai số huy động điện tái tạo ảnh hưởng vận hành hệ thống

Ngoài ra sau 12 năm vận hành, số lượng nhà máy tham gia thị trường điện đã tăng hơn 3 lần. Tuy nhiên, tỉ trọng các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện trên tổng công suất đặt hệ thống vẫn còn ở mức thấp chỉ 37,5%, nên sẽ là thách thức lớn cho vận hành thị trường điện cạnh tranh.

Để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, sẽ tiếp tục vận hành linh hoạt hồ chứa theo lưu lượng nước về để đảm bảo mục tiêu tích nước tối đa cho cao điểm mùa khô năm 2024.

Điều tiết và vận hành các hồ chứa thủy điện giữ cao mức nước ở miền Bắc, nhằm hạn chế suy giảm công suất. Ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm...

Tất cả các nhà máy điện bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị của nhà máy đảm bảo khả dụng vận hành sau sửa chữa chuẩn bị cho mùa khô 2024. Không sửa chữa các tổ máy miền Bắc trong cao điểm nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

Trong trường hợp diễn biến thủy văn bất thường theo chiều hướng xấu, cho phép lùi hoãn các kế hoạch sửa chữa tổ máy nhiệt điện than để tăng khả dụng cho hệ thống điện.

Các nhà máy điện có khả năng chạy dầu đảm bảo nguồn nhiên liệu FO/DO để sẵn sàng huy động đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như bù đắp sản lượng điện năng trong trường hợp xảy ra sự cố xếp chồng các tổ máy lớn trên hệ thống.

Link gốc

https://tuoitre.vn/sai-so-huy-dong-dien-gio-dien-mat-troi-toi-20-thach-thuc-cho-he-thong-20240430122152211.htm