Sản xuất ở 'thủ phủ' công nghiệp Bắc Ninh đi lùi

Bộ Công Thương đánh giá sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện trong 4 tháng đầu năm, Bắc Ninh - địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp ghi nhận IIP giảm hơn 5%.

Sản xuất ở "thủ phủ" công nghiệp Bắc Ninh suy giảm. Ảnh: Thạch Thảo.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 4 tháng đầu năm. Báo cáo ghi nhận tình hình sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất kinh doanh phục hồi

Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 6% (cùng kỳ giảm gần 3%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng hơn 12%...

Có 54 địa phương ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 9 địa phương có IIP giảm.

Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Phú Thọ (+30%); Bắc Giang (+24%); Hà Nam (+15%); Bình Phước (+15%).

Đáng chú ý, chỉ số IIP tại Khánh Hòa ghi nhận tăng 593%; Trà Vinh tăng 145%; Thanh Hóa tăng 30% do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm là Hà Tĩnh (-9%); Cà Mau (-6%) do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm khiến chỉ số IIP tại Hòa Bình (-52%); Sơn La (-46%); Quảng Ninh (-24%); Lai Châu (-17%)...

Bộ Công Thương đánh giá sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (còn 9/63 địa phương có IIP giảm). Đáng chú ý, Bắc Ninh - địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp - ghi nhận IIP trong 4 tháng đầu năm giảm hơn 5%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm hơn 15%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm gần 10%...

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ là khí hóa lỏng (- 20%); tivi (-11%); điện thoại di động (-3%); ôtô (-7%); xe máy (-4%); bia các loại (-5%)...

Xuất siêu 8,4 tỷ USD

Về xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 239 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu sang Mỹ ước đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 22%; xuất siêu sang EU ước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng gần 17%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 209 triệu USD, giảm 42%.

Riêng về xuất khẩu, trong 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm gần 58%).

Đáng chú ý, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt gần 12 tỷ USD, tăng 26%, chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao ở mức 2 con số như cà phê (+58%); gạo (+36%); rau quả (+32%)...

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt hơn 34 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt gần 18 tỷ USD (+14%); thị trường EU ước đạt hơn 16 tỷ USD (+15%); Hàn Quốc ước đạt hơn 8 tỷ USD (+10%)...

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Nam Khánh.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 115 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm gần 79% tổng kim ngạch (bao gồm 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39%).

Chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước... Kim ngạch ước đạt 102 tỷ USD, tăng hơn 17%.

Bộ Công Thương cho biết điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt hơn 41 tỷ USD, tăng hơn 28% và chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 17 tỷ USD (+6%); ASEAN ước đạt hơn 15 tỷ USD (+17%); Nhật Bản ước đạt hơn 7 tỷ USD (+7%)...

Link gốc

https://photo.znews.vn/w960/Uploaded/bfjysesfzyr/2024_05_07/thachthao_znews.jpg