Sau đấu thầu, giá vàng SJC tăng 9 triệu, chênh với thế giới 19 triệu đồng, có nên can thiệp nữa?

Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung, giảm chênh lệch giá thế giới. Tuy nhiên đến nay, giá vàng lập kỷ lục với giá bán ra 92,4 triệu đồng, mức chênh giá trong nước - thế giới lên 19 triệu đồng.

Chỉ trong buổi sáng 10-5, giá vàng miếng SJC đã phá 2 mốc kỷ lục 90 và 91 triệu đồng, lên 92 triệu đồng/lượng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá hiệu quả việc can thiệp giá vàng thời gian qua. Trong ngắn hạn, xem xét một cơ chế khác cho việc đấu thầu vàng.

Hậu can thiệp, giá vàng tăng vù vù

Trưa 10-5, giá vàng trong nước lập kỷ lục mới, lên 92,4 triệu đồng/lượng bán ra và 90,1 triệu đồng mua vào. Như vậy, tính từ phiên đấu thầu vàng đầu tiên ngày 22-4 đến nay, vàng miếng SJC đã tăng khoảng 9 triệu đồng/lượng.

Trong khi giá thế giới biến động thấp hơn, thậm chí có lúc đi xuống, do vậy chênh lệch đã từ hơn 10 triệu đồng lên gần 19 triệu đồng mỗi lượng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Trước năm 2020, giá vàng Việt Nam tiệm cận thế giới. Nhưng từ năm 2020, mức độ chênh lệch giá nới rộng. Từ sau đấu thầu, mức chênh đã trở lại vùng đỉnh 19 triệu đồng. Dữ liệu: WiGroup

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính WiGroup - nhận định nhìn vào diễn biến giá vàng, có thể thấy chính sách đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước chưa đạt được kỳ vọng.

Tại các phiên đấu thầu, mức giá khởi điểm sát mức thị trường, đưa đến lo ngại rủi ro bị lỗ ngay sau khi trúng thầu. Mức giá đấu thầu cao có thể kích thích hơn tâm lý trữ vàng từ người dân.

Ông Báu cho rằng nếu tiếp tục duy trì đấu thầu thì cần đánh giá lại, xem xét cơ chế khác cho phù hợp. Mức giá có thể thấp hơn giá mua vào thị trường khoảng 5%.

Nếu can thiệp thị trường với vai trò cơ quan điều hành, nhưng đấu thầu như một đơn vị kinh doanh với cơ chế giá bất cập, sẽ khó hiệu quả.

Ông Lê Hoài Ân - chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng - cho rằng đấu thầu vàng nên theo tư duy của quỹ bình ổn, tức giá đang cao thì cứ bán thấp xuống. Sau đó giá giảm lại mua vào.

"Làm liên tục các vòng. Bản chất giá vàng trong nước đang cao hơn giá trị thực. Việc kéo xuống là có cơ sở", ông Ân nói.

Tuy nhiên vị chuyên gia cũng chỉ ra nếu để giá thấp hơn sẽ gây tâm lý đối với đơn vị đấu thầu, bởi lo ngại thất thoát tài sản nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng giải thích mức giá sàn được tính toán từ thực tế của thị trường và có cái nhìn dài hạn. Cơ quan này cho biết nếu tung vàng ra giá thấp, thị trường sẽ hấp thụ hết, nhưng sau đó họ lại găm hàng để đầu cơ làm giá hoặc dùng vào mục đích khác.

Góp ý, một chuyên gia tài chính khác đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng được trúng thầu.

Theo đó, các tổ chức trúng thầu này về mặt bản chất như là một đơn vị nhận ký gửi hàng từ Ngân hàng Nhà nước bán ra thị trường và được hưởng một mức hoa hồng nhất định.

Thế khó của Ngân hàng Nhà nước

Thông lệ quốc tế, vàng được coi là một loại hàng hóa. Trong đó, vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.

Với Việt Nam, ông Báu cho rằng nên quay lại với câu hỏi vàng là hàng hay là tiền để có định hướng quản lý phù hợp. Nếu duy trì độc quyền vàng SJC, thì nên coi nó như loại tiền tệ "đặc biệt".

Nếu vừa muốn quản lý vàng SJC như tiền tệ, nhưng lại coi nó là hàng hóa, đồng thời vừa muốn ghìm giá vàng, nhưng lại không thể mạnh tay can thiệp bằng ngoại tệ, sẽ khiến cơ quan điều hành rơi vào thế khó.

"Tỉ giá căng, dự trữ ngoại hối không nhiều. Muốn nhập vàng thì cần ngoại tệ, nhưng nếu dùng ngoại tệ lớn sẽ có ảnh hưởng đến tỉ giá", ông Báu nói và cho rằng làm tốt cả hai mục tiêu lúc này là nhiệm vụ dường như "bất khả thi", do vậy cần xác định đâu là những ưu tiên trong vĩ mô.

Nếu không can thiệp giá vàng nữa, thị trường sẽ đối mặt vấn đề gì? Theo ông Báu, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng. Nhưng thực chất việc tăng giá này là bong bóng, cần truyền thông hơn nữa để người dân hiểu rõ.

"Mua SJC trong nước 90 triệu đồng, nhưng mang ra thế giới chỉ bán được hơn 70 triệu đồng, đây là rủi ro người mua phải đối mặt. Tại sao lại phải mua giá vàng cao hơn giá trị thực?", ông Báu nhấn mạnh.

Điều thứ hai, theo vị chuyên gia, cần đẩy mạnh việc minh bạch hóa thị trường vàng vốn mù mờ hiện nay. Việc thống kê được giao dịch và mức cầu thực sự thị trường rất quan trọng trong việc đưa ra chính sách phù hợp, giảm sự thao túng bởi các "tay to" trên thị trường.

BÌNH KHÁNH

Link gốc

https://tuoitre.vn/sau-dau-thau-gia-vang-sjc-tang-9-trieu-chenh-voi-the-gioi-19-trieu-dong-co-nen-can-thiep-nua-20240510140440996.htm