Tại đại hội đồng cổ đông, CEO của MSR đã hé lộ về tiềm năng hợp tác sản xuất pin điện cho VinFast.
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu MSR của CTCP Masan High-Tech Materials đã nhanh chóng tăng hết biên độ lên 13.300 đồng/cp, tăng 14,7% so với giá tham chiếu.
Đây đã là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của MSR sau phiên giao dịch ngày 19/4. Tính từ giá tham chiếu phiên 19/4 của MSR là 10.500 đồng/cp, giá cổ phiếu hiện nay đã tăng lên 13.300 đồng/cp, tương ứng với mức tăng gần 27% chỉ sau 2 ngày.
Trước đó, vào ngày 18/4, MSR đã tổ chức đại hội đồng cổ đông hé lộ về tiềm năng hợp tác sản xuất pin cho VinFast và mục tiêu đạt doanh thu 18.200 tỷ đồng năm 2023 .
Năm 2022, nhờ nhu cầu và giá các sản phẩm Vonfram tiếp tục tăng mạnh nên Masan High-Tech Materials đã đạt doanh thu kỷ lục là 15.550 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng (tăng 15%) so với năm tài chính 2021.
Doanh thu từ Vonfram tăng 13%, trong đó 70% đến từ các sản phẩm Vonfram cận sâu - Vonfram Cácbua và bột Vonfram của H.C. Starck Tungsten Powders – công ty thành viên của Masan High-Tech Materials có trụ sở tại Đức (H.C. Starck). Lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế (EBITDA) tăng 5%, đạt 3.203 tỷ đồng - EBITDA cao thứ hai từ trước đến nay.
Trên cơ sở thành công của dự án tinh luyện Vonfram và sản xuất các dòng sản phẩm Vonfram công nghệ cao, Masan High-Tech Materials dự kiến triển khai Dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất Châu Á tại Thái Nguyên. Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.
Công ty kỳ vọng sẽ đạt doanh thu năm 2023 khoảng 16.500 – 18.200 tỷ đồng, tăng 6 – 17% so với năm trước.
CEO công ty tại đại hội cũng hé lộ về tiềm năng hợp tác giữaMSR và Vinfast. Ông cho biết MSR cũng đã cung cấp vật liệu cho các nhà sản xuất xe điện khác và tương lai đương nhiên cũng sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ pin xe điện cho Vinfast.