2 cổ phiếu nổi bật nhất nhóm VN30 cùng nhau lập đỉnh lịch sử trong phiên VN-Index trở lại cao điểm 1.200.
Sau chuỗi 5 phiên tăng điểm, VN-Index chính thức trở lại mốc 1.200 điểm (ngày 26/7).
Sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục mở cửa tăng nhẹ trước khi xuất hiện lực bán và rơi về dưới tham chiếu lúc 10h30.
Sau 3 tháng nỗ lực hồi phục, VN-Index đã tăng 166 điểm (+16%). Đóng góp lớn cho mức tăng này chính là cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank.
Trong cùng thời điểm, VCB đã tăng gần 25% lên mức lịch sử 93.400 đồng/cp phiên 26/7 (giá sau phát hành). Vietcombank cũng đồng thời trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên chứng trường Việt vượt mức vốn hóa 500.000 tỷ đồng (hiện đạt hơn 521.000 tỷ).
Ở diễn biến khác, với chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp tính đến 10h45 phút ngày 27/7, cổ phiếu FPT của CTCP FPT cũng thiết lập mức giá lịch sử 84.840 đồng/cp - vượt đỉnh cũ vùng 81.x đồng hồi giữa tháng 4 năm ngoái.
Nếu tính từ ngưỡng 6.7x đồng hồi cuối tháng 7/2013, sau tròn 10 năm, cổ phiếu FPT đã tăng gần 12,5 lần giá trị (khoảng 1.150%); vốn hóa chính thức gia nhập nhóm 100.000 tỷ (hiện đạt gần 107.000 tỷ đồng). Tài sản công ty cũng tăng 3,45 lần (từ mức 17.560 tỷ).
CTCP FPT mới đây đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2023 với 12.484 tỷ đồng doanh thu và 1.856 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (mức lãi quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động), lần lượt tăng tăng 23,6% và 18,9%.
Công ty cho biết, kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng khả quan chủ yếu đến từ tăng trưởng khối công nghệ khi đem về 7.360 tỷ đồng doanh thu (tăng 28,8% YoY) và 1.100 tỷ đồng lãi trước thuế, chiếm 59% và 49,5% tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn FPT đạt 24.166 tỷ doanh thu thuần - tăng 21,9% YoY; lợi nhuận sau thuế ở mức 3.665 tỷ - tăng 565 tỷ so với bán niên 2022. Kết quả này tương đương 46,2% và 47,9% kế hoạch năm.
Đến cuối quý, FPT ghi có gần 10.700 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của FPT tăng gần 9.000 tỷ so với đầu năm, đạt 60.557 tỷ đồng trong đó tiền mặt - tương đương tiền và tiền gửi đạt gần 26.700 tỷ đồng - tăng khoảng 7.200 tỷ so với đầu năm. Theo thuyết minh, công ty đã ghi nhận thêm 7.400 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn so với mức 13.034 tỷ hồi đầu năm.
Đầu tháng 7 vừa qua, FPT đã chốt danh sách cổ đông chi cổ tức bằng tiền đợt cuối năm 2022 với tỷ lệ 10% (số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng).
Công ty cũng phát hành thêm 165,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 20:3 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới).