Sếp Tây gặp kỷ niệm đau thương với 'lương tháng 13' của người Việt, suýt mất hàng loạt nhân viên

Vị Tổng Giám đốc công ty từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất bất ngờ vì nhân sự Việt Nam rất quan trọng lương tháng 13.

Tại diễn đàn "Kinh doanh với Việt Nam" diễn ra mới đây, do Phòng Thương mại Quốc tế Dubai tổ chức, ông David J Archibald - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Al Naboodah Quốc tế Việt Nam - là một trong các vị khách mời tọa đàm.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Al Naboodah Quốc tế Việt Nam là một người Mỹ, ban đầu dự tính đến Việt Nam để tìm cơ hội làm việc. Và từ đó đến nay, ông David J Archibald đang sống và làm việc tại đất nước này được gần chục năm.

"Việt Nam là một đất nước với những con người tử tế và hiếu khách" , ông David J Archibald nói trong phần chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện trên. Ông đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển với nền kinh tế năng động.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng nên tìm hiểu, linh hoạt để phù hợp với văn hoá bản địa.

Ông David J Archibald, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Al Naboodah Quốc tế Việt Nam, từng bất ngờ vì lương tháng 13 tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc của Al Naboodah Quốc tế Việt Nam lấy ví dụ về một thương hiệu donut khi vào Việt Nam đã xoay xở, cố gắng rất nhiều trong tương thích thị trường, tiếp cận các khách hàng. Theo ông, nhãn hàng này đã từng cho ra mắt donut hải sản, điều mà họ chưa từng làm ở nhiều thị trường khác. Dẫu vậy, đến nay, thương hiệu này đã không còn tồn tại ở Việt Nam.

Ngay bản thân David J Archibald, ông từng bất ngờ với khái niệm "lương tháng 13" tại thị trường lao động Việt Nam. "Tôi từng chứng kiến một nửa người lao động tại doanh nghiệp bạn tôi đã nghỉ do không có lương tháng 13", ông dí dỏm nói.

Ông nói thêm: Chỉ cần nghe thông tin năm nay hoặc doanh nghiệp không chi trả lương tháng 13, người lao động sẽ không muốn gắn bó với người sử dụng lao động.

"Sau khi tiếp nhận thông tin từ phòng Nhân sự, tôi phải báo lại với lãnh đạo tập đoàn ở UAE để bổ sung khoản lương tháng 13 này tại thị trường Việt Nam", ông nói với phóng viên bên lề sự kiện.

Ông bổ sung: "Lương tháng 13 đối với người Việt Nam như một món quà để họ chăm lo cho dịp Tết Nguyên đán - ngày lễ quan trọng nhất năm". Chính vì vậy, theo ông, lương tháng 13 mang ý nghĩa rất to lớn với người lao động.

Hiện tại, công ty của David J Archibald đã hoàn thiện cơ chế lương thưởng, bao gồm lương 12 tháng, lương tháng 13 và thưởng KPI.

Sếp Tây gặp kỷ niệm đau thương với 'lương tháng 13' của người Việt, suýt mất hàng loạt nhân viên- Ảnh 2.

David J Archibald tại một sự kiện của doanh nghiệp.

Lương tháng 13 không bắt buộc tại Việt Nam

Tại Việt Nam, lương tháng 13 được xem như một "thông lệ" hơn là luật định vì Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan không định nghĩa lương tháng 13. Và không có một quy định nào bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 cho người lao động.

Thông thường, khoản lương tháng 13 này sẽ là thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Trên thế giới, lương tháng 13 xuất hiện tại một số quốc gia, mỗi quốc gia trị giá của khoản thưởng này cũng khác nhau - không nhất thiết trọn vẹn một tháng lương.

Chẳng hạn, ở Argentina, tiền lương tháng 13 được tính dựa trên mức lương cao nhất của tháng trong sáu tháng trước đó. Ở Bolivia, tiền thưởng dựa trên tổng lương trung bình trong ba tháng trước khi thanh toán; tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP vượt quá một tỷ lệ nhất định, số tiền thưởng có thể tăng gấp đôi.

Ở Nicaragua, tiền thưởng dựa trên tiền lương tháng 11 của nhân viên hoặc tháng trả lương cao nhất trong sáu tháng trước đó.

Bên cạnh đó, lương tháng 13 là bắt buộc ở ba quốc gia ở Châu Á: Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Và cũng là phong tục ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Israel, Malaysia, Nepal, Saudi Arabia...

Công ty TNHH Al Naboodah Quốc tế Việt Nam là công ty con của Tập đoàn Al Naboodah (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, UAE). Tập đoàn bao gồm hơn 20 công ty đầu tư đa dạng về các dịch vụ và sản phẩm trong bốn lĩnh vực kinh doanh chính - xây dựng, thương mại, đầu tư và bất động sản.

Al Naboodah Quốc tế Việt Nam là đại diện tại Việt Nam của các thương hiệu Harley-Davidson (xe mô tô, phụ tùng và phụ kiện), KTM (xe mô tô)...


Theo Dy Khoa

Đời sống Pháp luật

https://cafef.vn/sep-tay-gap-ky-niem-dau-thuong-voi-luong-thang-13-cua-nguoi-viet-suyt-mat-hang-loat-nhan-vien-188240511164600955.chn