Trong khi đó, nguồn cung trên toàn cầu có thể tiếp tục suy giảm trước nhiều yếu tố rủi ro. Cụ thể, liên minh OPEC+ vốn kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% nhu cầu dầu toàn cầu) kể từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm nay nhằm hỗ trợ thị trường.
Đồng thời, Nga bắt đầu giảm sản lượng khai thác 0,5 triệu thùng/ngày (tương đương 5% tổng sản lượng khai thác nước này) kể từ đầu tháng 3/2023 nhằm đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giới phân tích cảnh báo việc Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hoả… kể từ tháng 2/2023 sẽ khiến sản lượng xuất khẩu dầu của Nga giảm tới 1 triệu thùng/ngày.
Với các diễn biến thị trường như trên, IEA cảnh báo nếu nguồn cung dầu thô không được cải thiện, thị trường sẽ dần rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm nay. Dự báo giá dầu thô có thể bật tăng mạnh trở lại ngưỡng 80 USD/thùng hoặc cao hơn nữa trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi rõ ràng cũng như các rủi ro trong hệ thống tài chính được xử lý triệt để.