Siêu cổ SGN - mỹ nữ ngành hàng không và mối quan hệ Him Lam Group!

Ngành hàng không đang phục hồi rất mạnh. SGN vốn đã là con hàng “hot” kiếm tiền như nước, giờ lại có sự hỗ trợ từ Him Lam - nghĩa là của ông Dương Công Minh và cả hệ sinh thái tài chính liên quan.

Bình thường là “tím lịm” rồi đó… Chẳng qua cô đặc quá mà không có thanh khoản thôi!

Mời ae đón đọc

Thương vụ bán “chui” cổ phiếu SGN hé mở toan tính của Him Lam trong lĩnh vực hàng không?

Theo thông báo từ Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, HOSE: SGN), từ ngày 1/6 trở đi, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) sẽ trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp, sau khi thực hiện thương vụ mua vào lượng lớn cổ phiếu SGN.

Cụ thể, trong phiên 1/6, Him Lam Land đã mua hơn 2,5 triệu cổ phiếu SGN, qua đó sở hữu 7,6% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đặc biệt, quan sát diễn biến trên sàn chứng khoán của SGN, thanh khoản của doanh nghiệp đều “biệt tích” trên cả phương thức khớp lệnh lẫn thỏa thuận trao tay.

Điều đó thể hiện Him Lam Land đã nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ một cổ đông khác mà không cần thông qua sàn chứng khoán. Được biết, số cổ phiếu trên đúng bằng lượng cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng (Impcorp) đang nắm giữ.

Tuy nhiên, với tư cách là cổ đông lớn của SGN, Impcorp trước đó chưa có văn bản đăng ký giao dịch bán cổ phiếu gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định. Dư luận hiện đặt nghi vấn về giao dịch “chui” của doanh nghiệp này, và nhiều khả năng sẽ có một án phạt dành cho Imcorp.

Giá trị thương vụ sang tên cổ phiếu SGN của Him Lam Land vẫn được giữ kín. Tạm tính theo thị giá trên sàn của SGN là 73.500 đồng/cp, số tiền Him Lam Land cần chi là gần 200 tỷ đồng.

Về tân cổ đông lớn của SGN, năm vừa qua, Him Lam Land cũng gây nhiều chú ý khi liên tục thoái vốn khỏi Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG).

Trong lần bán ra cổ phiếu DIG cuối cùng để “buông” ghế cổ đông lớn tại DIC Corp, trong các ngày 20/4/2022 - 27/4/2022, Him Lam Land đã “thanh lý” hơn 4,3 triệu cổ phiếu DIG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,8% xuống 4,9% vốn điều lệ.

Động thái hạ tỷ trọng tại DIC Corp khởi phát từ đầu năm 2022. Ước tính trong vòng 5 tháng ngắn ngủi, Him Lam Land đã bán tận 39,1 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 8,02% vốn điều lệ doanh nghiệp tại thời điểm đó.

SGN có gì hấp dẫn?

SGN là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật thương mại mặt đất tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Tiền thân của SGN là Trung tâm dịch vụ Hàng không, một đơn vị thành viên thuộc cụm Cảng hàng không miền Nam, sau đó được chuyển đổi vào tháng 12/2004.

Các năm kế tiếp, SGN thuộc sở hữu và chi phối của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đến tháng 12/2014, SGN hoàn thành việc cổ phần hóa và chính thức đổi tên như hiện tại, với vốn điều lệ hơn 140 tỷ đồng.

Một năm sau, ngày 10/12/2015, hàng chục triệu cổ phiếu SGN bắt đầu “đổ bộ” sàn UPCoM. Tháng 7/2018, SGN chuyển sang niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 140.000 đồng/cổ phiếu, cao gần gấp ba lần so với giá “chào sàn” UPCoM vào 3 năm trước.


Tổng hợp BCTC của SGN.

Hiện, SGN đã tăng vốn lên 330,5 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của SGN vẫn là ACV với tỷ lệ sở hữu 48,03%; theo sau là các nhà đầu tư có vai vế trên thương trường khác, bao gồm: Công ty Chứng khoán SSI (17,64%), Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC, 9,11%) và Impcorp (7,6%).

Như vừa đề cập, Him Lam Land sẽ là nhân tố mới tại SGN, và nếu không có thay đổi, cổ đông này sẽ “trám chỗ” mà Impcorp để lại.

Về tình hình kinh doanh, SGN vừa có một kỳ kinh doanh xuất sắc. Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng hơn 100% cùng kỳ lên mức 995 tỷ đồng; đặc biệt, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 3 lần lên 136 tỷ đồng.

So với kế hoạch được ĐHĐCĐ giao phó, SGN lần lượt vượt 25% về doanh thu và 26% về lợi nhuận. Kết quả có được trong bối cảnh dịch bệnh Covid được kiểm soát, nhu cầu giao thông hàng không phục hồi rõ rệt, các chuyến bay nội địa lẫn quốc tế đều gia tăng.

Sang quý I/2023, doanh thu của SGN tiếp tục tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 330 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng cao hơn 2 lần so với năm trước lên 56 tỷ đồng. Tính ra, doanh nghiệp đã hoàn thành được 25% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Toan tính của Him Lam?

Him Lam Land là thành viên của Him Lam Group do đại gia Dương Công Minh là người sáng lập. Ông Minh cũng đang là Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Him Lam Group trước giờ nổi danh là “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản, với sự giúp sức của Sacombank và LienVietPostBank - những nhà băng được điều hành dưới bàn tay của vị doanh nhân quê Bắc Ninh.

Thời gian gần đây, Him Lam Group cho thấy tham vọng “nhảy sang” mảng hàng không với mục tiêu “thâu tóm” Bamboo Airways của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, người đang lĩnh án tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Diễn biến liên quan, Công ty CP Him Lam là pháp nhân cho Bamboo Airways vay đến 8.000 tỷ đồng khi hãng bay đang trong “cơn bĩ cực”, thiếu hụt nguồn lực để hoạt động. Nên biết, ông Dương Công Minh là người đang giữ vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways từ tháng 8/2022.

Đặc biệt, Bamboo Airways còn mượn tiền từ một cá nhân hơn 7.700 tỷ đồng. Người được nhắc đến là ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT Bamboo Airways và cũng là thể nhân có tương tác tích cực đến hệ sinh thái của ông Dương Công Minh.

Trong đó, ông Sâm từng là Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC) - công ty liên kết của DIC Corp (DIG) - giai đoạn 2009-2012. Nhắc lại, Him Lam Land của ông Dương Công Minh từng hiện diện tại DIc Corp với vai trò cổ đông lớn giai đoạn 2020 - 2022.


Ông Dương Công Minh giữ vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways từ tháng 8/2022.

Ngoài ra, ông Sâm từng là Thành viên HĐQT Công ty CP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi) giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Sudazi là doanh nghiệp phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu quy mô 133,95 ha tại tỉnh Khánh Hoà. Dự án này do Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà (TIC) - doanh nghiệp có nhiều giao dịch tài chính với Công ty Chứng khoán Liên Việt và LienVietPostBank - làm chủ đầu tư.

Trước đó, ông Lê Thái Sâm cũng từng dùng 125.000 cổ phần BAV thế chấp tại LienVietPostBank để đảm bảo cho một khoản vay cá nhân tại ngân hàng.

Nhìn chung, việc xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của SGN cho thấy Him Lam đang không che dấu tham vọng xây dựng một hệ sinh thái hàng không toàn diện, bên cạnh hệ sinh thái bất động sản - tài chính vốn đã gắn liền với tên tuổi của họ…