Siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho HHV, VCG, CTD…
Trong phiên sáng ngày 25/12, VN-Index ghi nhận sự thăng hoa với mức tăng hơn 20 điểm, đưa chỉ số vượt mốc kháng cự 1.280 điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện với 469 mã tăng lấn át 209 mã giảm. Tâm điểm là sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu xây dựng và đầu tư công, trong đó các mã như KSB, FCN, HHV, HBC, LCG, VCG tăng trần, C4G (+7,8%), VLB (+4,2%), CTD (+3,5%)…
Đà tăng này diễn ra sau khi Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào siêu dự án này.
Diễn biến cổ phiếu đầu tư công trong phiên sáng ngày 25/12
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, nhận định: “Dự án đường sắt tốc độ cao với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó phần xây dựng cơ bản chiếm khoảng 33 tỷ USD, vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam”.
Trong tờ trình, VACC đã đề nghị phân tách riêng hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tách biệt với các hợp phần chuyên ngành khác như thông tin, tín hiệu, cấp điện và phương tiện đoàn tàu. Hiệp hội cũng khuyến nghị quy mô các gói thầu trong hợp phần xây dựng nên giữ ở mức từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD để đảm bảo năng lực tài chính cho các nhà thầu tham gia đấu thầu, đồng thời đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu và giảm giá 5%.
Về lựa chọn nhà thầu, VACC nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt để thúc đẩy việc tạo việc làm trong nước và tăng cường tính chủ động, tự chủ. Các nhà thầu trong nước được khuyến khích liên danh với các đối tác quốc tế, trong đó nhà thầu Việt Nam đóng vai trò chủ lực. Mặt khác, Hiệp hội đề xuất các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia phải liên danh với các nhà thầu Việt Nam và đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc.
Riêng về nhà thầu tư vấn, dự án sử dụng quy trình thiết kế FEED và đấu thầu nhà thầu EPC. Tuy nhiên, các nhà thầu Việt Nam thường tách bạch vai trò giữa nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng. Vì vậy, trong quá trình đấu thầu, cần có sự liên kết giữa hai nhóm nhà thầu này, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài.
“Do lực lượng nhà thầu tư vấn trong nước còn hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền cần cho phép nhà thầu tư vấn tham gia các giai đoạn nghiên cứu khả thi và thiết kế FEED. Các nhà thầu này có thể tham gia liên danh với tổng thầu EPC trong đấu thầu, nếu có thể chứng minh sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC. Hoặc cho phép nhà thầu EPC lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu”, văn bản kiến nghị nêu.
Về tài chính, VACC kiến nghị cho phép cộng năng lực tài chính của các nhà thầu trong liên danh và giảm bớt yêu cầu tài chính đối với các nhà thầu Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng đề xuất mô hình giám sát thi công kết hợp giữa tư vấn trong và ngoài nước, cùng với yêu cầu chuyển giao công nghệ thi công cho các doanh nghiệp nội địa trong suốt quá trình triển khai.
Ngoài ra, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cung cấp gói tín dụng đặc biệt với lãi suất ưu đãi (có thể là 5%/năm) dành cho các nhà thầu thi công dự án. Hiệp hội cũng yêu cầu điều chỉnh hệ thống định mức đơn giá để phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án đường sắt tốc độ cao.
Cuối cùng, Hiệp hội đề xuất các cơ chế đặc thù liên quan đến quản lý mỏ vật liệu và phát triển nguồn nhân lực cho ngành xây dựng đường sắt, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo nhận định của Chứng khoán Yuanta, dự án đường sắt tốc độ cao kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Trong đó, các nhà thầu trong nước có cơ hội giành các hợp đồng thầu như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Fecon (FCN), CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) và CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV).
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km và vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD. Với quy mô lớn và số vốn đầu tư khổng lồ, dự án được xem là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp Việt phát triển mạnh cả về quy mô lẫn kinh nghiệm. Tuy nhiên, song hành với cơ hội, các doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức liên quan đến công nghệ, nguồn nhân lực và các cơ chế trong công tác triển khai dự án.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp như Đèo Cả, Vinaconex, Fecon… đã chủ động chuẩn bị về mặt nhân lực và công nghệ để sẵn sàng đón đầu khối lượng lớn từ siêu dự án này.